So sánh công bằng và bình đẳng

Công bằng và bình đẳng. Hai khái niệm nghe có vẻ rất giống nhau, nhưng thực chất lại vô cùng khác nhau. Vậy chính xác thì công bằng trong công việc là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế?

VăN HóA | THờI GIAN đọC: 10 PHúT

Trong vài năm qua, nhiều tổ chức đã chủ động đưa ra các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) để giải quyết tình trạng mất cân bằng tại nơi làm việc.

Gần 2/3 các nhà lãnh đạo nhân sự ở Hoa Kỳ nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, nhưng theo SHRM, chỉ 36% tin rằng tổ chức của họ đã phân bổ đủ nguồn lực cho DEI. Hơn nữa, khi triển khai chương trình DEI, các công ty thường tập trung nhiều hơn vào khía cạnh đa dạng và hòa nhập. Họ khó thực hiện đúng biện pháp đảm bảo công bằng và thường nhầm công bằng với bình đẳng.

Hãy xem xét kỹ hơn về công bằng và bình đẳng tại nơi làm việc.

Thế nào là bình đẳng tại nơi làm việc?

Thế nào là bình đẳng tại nơi làm việc?

Bình đẳng tại nơi làm việc nghĩa là đối xử với tất cả nhân viên như nhau. Một tập hợp quy tắc và lợi ích chung áp dụng cho mọi người và ai cũng được trao cơ hội cùng nguồn lực như nhau để tiến bộ.

Một số quốc gia có luật pháp để đảm bảo bình đẳng. Ví dụ: Ở Vương quốc Anh, Đạo luật bình đẳng bảo vệ người lao động khỏi hành vi phân biệt đối xử vì giới tính, chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo, khuynh hướng tính dục hoặc tình trạng khuyết tật của họ.

Mặc dù dĩ nhiên chúng ta nên đặt ra nguyên tắc chung về sự bình đẳng tại nơi làm việc, nhưng trọng tâm hiện đã chuyển sang câu hỏi chúng ta đã làm đủ chưa. Chúng ta có cần sử dụng cách tiếp cận đa sắc thái hơn đối với vấn đề bình đẳng không? Suy cho cùng, không phải ai cũng có xuất phát điểm như nhau, nên chẳng phải chúng ta cần giải quyết nhu cầu cụ thể của nhân viên sao? Nếu doanh nghiệp đối xử với mọi người như nhau mà không nhận ra rằng một số đội ngũ hoặc nhóm nhân khẩu học nhất định có thể cần hỗ trợ thêm, kết quả sẽ là tình trạng bất bình đẳng.

Nhờ nhận ra vấn đề về xuất phát điểm không đồng đều này, chúng ta hiện đã xem sự công bằng là nguyên tắc hiệu quả hơn để hiện đại hóa nơi làm việc, cũng như hỗ trợ mọi người phát huy toàn bộ tiềm năng của mình.

Thế nào là công bằng tại nơi làm việc?

Thế nào là công bằng tại nơi làm việc?

Sự công bằng ghi nhận rằng không phải tất cả nhân viên đều giống nhau. Gallup định nghĩa công bằng là "cách đối xử, khả năng tiếp cận và cơ hội thăng tiến công bằng cho mỗi người trong tổ chức".

McKinsey mô tả công bằng là "đối xử công bằng với mọi người để các chuẩn mực, cách làm và chính sách hiện có đảm bảo rằng bản dạng cá nhân không phải yếu tố dự đoán cơ hội hoặc kết quả tại nơi làm việc".

Về cốt lõi, công bằng tại nơi làm việc nghĩa là đem lại môi trường đồng đều và tạo cho mọi người cơ hội bằng nhau để thành công. Cách tiếp cận này tính đến những bất lợi và rào cản cụ thể mà nhân viên có thể gặp phải trên con đường đạt được cùng một kết quả. Ví dụ: Để thực hiện cùng công việc, người khuyết tật có thể cần các nguồn lực khác so với người không khuyết tật.

Đó là nguyên tắc được quy định trong luật pháp của một số quốc gia như Nam Phi và Canada - nơi đặt ra Đạo luật bình đẳng hướng đến mục đích khắc phục những bất lợi của 4 nhóm: phụ nữ, người bản địa, người khuyết tật và thành viên của các nhóm thiểu số có dấu hiệu nhận biết rõ ràng.

Mặc dù chúng ta đã có tiến bộ đáng kể về các vấn đề DEI trên toàn cầu, nhưng nghiên cứu của Gallup cho thấy chỉ có 28% nhân viên tại Hoa Kỳ rất đồng ý rằng nơi làm việc của họ công bằng với mọi người. Rõ ràng, một số công ty vẫn còn chặng đường dài để đạt được văn hóa công bằng và bình đẳng.

Gỡ rối công việc nhờ Workplace

Từ khâu thông báo cho mọi người về kế hoạch quay trở lại văn phòng đến quá trình áp dụng mô hình làm việc kết hợp, Workplace làm cho công việc trở nên đơn giản hơn.

Điểm khác biệt giữa công bằng và bình đẳng là gì?

Điểm khác biệt giữa công bằng và bình đẳng là gì?

Có lẽ Susan K Gardner từ Đại học Tiểu bang Oregon là người tóm tắt dễ hiểu nhất về sự khác biệt giữa công bằng và bình đẳng: "Bình đẳng là cho mọi người một chiếc giày. Công bằng là cho mọi người chiếc giày vừa chân."

Những ví dụ sau cho thấy sự khác biệt giữa công bằng và bình đẳng trong 5 khía cạnh chính của việc làm:

Quyền sử dụng cơ sở vật chất
  • Bình đẳng - tất cả nhân viên đều có quyền sử dụng cùng không gian làm việc và tài nguyên. Ví dụ: Mọi người đều nhận được bàn ghế giống nhau.

  • Công bằng - nguồn lực và không gian được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của tất cả nhân viên. Ví dụ: Bàn làm việc được điều chỉnh cho phù hợp với người dùng xe lăn, còn ghế công thái học được cấp cho người có vấn đề về cơ xương khớp.

Tuyển dụng
  • Bình đẳng - tất cả các ứng viên có cùng khoảng thời gian để hoàn thành bài kiểm tra viết trong quy trình tuyển dụng.

  • Công bằng - tất cả các ứng viên đều nhận được cùng một bài kiểm tra viết, nhưng những người mắc chứng khó đọc có nhiều thời gian làm bài hơn. Nghĩa là họ có nhiều thời gian hơn để đọc và hiểu hướng dẫn, từ đó tạo ra cơ hội đồng đều hơn.

Phúc lợi của nhân viên
  • Bình đẳng - tất cả nhân viên đều nhận được gói phúc lợi như nhau, trong đó có gói hưu trí, hỗ trợ chăm sóc con và bảo hiểm y tế tư nhân.

  • Công bằng - nhân viên có thể điều chỉnh một số phúc lợi cho phù hợp với bản thân. Ví dụ: Họ có thể chọn làm việc từ xa hoặc vào các giờ khác với người khác vì vấn đề sức khỏe hoặc vì cần chăm sóc con.

Hình thức khuyến khích và phần thưởng
  • Bình đẳng - tất cả nhân viên đạt mục tiêu bán hàng trong tháng đều được tham gia một buổi tối vui chơi tại sòng bạc do công ty tổ chức.

  • Công bằng - nhân viên nhận được phần thưởng dạng điểm và có thể đổi điểm lấy các phần thưởng khuyến khích có ý nghĩa với mình. Các hình thức khuyến khích dưới dạng sự kiện như đêm sòng bạc có thể cô lập một số nhóm vì họ không đánh bạc hoặc không thể đi vì phải chăm sóc con.

Nghỉ phép năm
  • Bình đẳng - tất cả nhân viên đều có số ngày nghỉ lễ giống nhau, trong đó có ngày nghỉ cho Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáng Sinh và năm mới.

  • Công bằng - tất cả nhân viên đều có số ngày nghỉ lễ giống nhau nhưng những người không mừng lễ Phục sinh hoặc Giáng sinh có thể sử dụng những ngày đó theo cách họ muốn.

Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể điều chỉnh mọi cách làm việc cho phù hợp với từng cá nhân, nhưng trọng tâm ở đây là bạn nên kiểm tra tất cả các quy trình nhân sự của mình qua lăng kính công bằng để đảm bảo không ai bị thiệt thòi.

Tại sao sự công bằng tại nơi làm việc lại quan trọng?

Tại sao sự công bằng tại nơi làm việc lại quan trọng?

Ngay cả tổ chức đa dạng nhất cũng sẽ khó có thể tối đa hóa tiềm năng nếu không cung cấp cơ hội công bằng. Do đó, sự công bằng phải có vai trò quan trọng như mọi khía cạnh khác trong chương trình DEI của bạn. Sự công bằng mang lại nhiều lợi ích như:

  • Tăng cường động lực

    Khi bạn khuyến khích đội ngũ nêu lên nguồn lực họ cần để giải quyết bất kỳ vấn đề nào họ có thể gặp phải, đội ngũ sẽ tự nhiên có thêm động lực để cố gắng vượt bậc.

    Mặt khác, khi nhân viên cảm thấy bị đối xử không công bằng, họ có thể trở nên phẫn nộ, thiếu nhiệt tình và chỉ làm việc ở mức tối thiểu.

  • Cải thiện mức độ gắn bó và hài lòng

    Khi mọi nhân viên đều có thể tiếp cận các nguồn lực của tổ chức, bạn sẽ đem lại cho họ cảm giác gắn bó khăng khít, từ đó tăng mức độ hài lòng trong công việc và xây dựng niềm tin vào khả năng lãnh đạo của công ty.

    Bằng cách cung cấp cơ hội giao tiếp, đào tạo và phát triển hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân thay vì áp dụng phương pháp giống nhau cho tất cả, bạn có thể làm nhân viên cảm thấy được xem trọng. Khi không bị kìm hãm, mọi người có thể thực sự phát triển.

  • Tiếp cận nhóm nhân tài mới

    Nhân tài có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Do đó, bạn nên tìm kiếm kỹ năng mình cần ở nhiều nơi khác nhau bằng bản mô tả công việc mà mọi người đều có thể ứng tuyển. Hoạt động tuyển dụng công bằng có thể phát hiện được các luồng nhân tài mới mà trước đây bạn có lẽ đã bỏ qua, chẳng hạn như nhân viên làm việc từ xa, người mới nghỉ hưu hoặc những người có tình trạng thần kinh đa dạng.

    Theo Khảo sát lực lượng lao động của CNBC/SurveyMonkey, gần 80% nhân viên muốn làm việc cho công ty đề cao sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. Nếu thực sự cam kết triển khai chính sách DEI, bạn có thể tuyển dụng và giữ chân những nhân tài hàng đầu với kỹ năng và quan điểm phong phú một cách dễ dàng hơn.

  • Nhiều cơ hội vươn lên vị trí lãnh đạo hơn

    Khi có lực lượng lao động đa dạng với nhiều bối cảnh và kỹ năng khác nhau, bạn có thể mở ra cơ hội thăng tiến lên vị trí cao cho nhiều người hơn.

    Ví dụ: Trước đây, phụ nữ da đen không nắm giữ nhiều vai trò lãnh đạo, nhưng một công ty công bằng sẽ tìm cách giải quyết tình trạng mất cân bằng này.

  • Nâng cao hiệu quả

    Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa DEI và hiệu quả của công ty. Theo nghiên cứu của McKinsey, các doanh nghiệp đa sắc tộc nhất có lợi nhuận cao hơn 36% so với những tổ chức ít đa dạng nhất.

    Hãy cung cấp cho mọi người các công cụ họ cần để làm việc hiệu quả và họ sẽ đạt năng suất cao hơn. Khi bạn cân nhắc nhu cầu cá nhân của mọi người, họ sẽ có xu hướng cảm thấy hòa nhập và được trao quyền để phát huy tối đa khả năng của mình.

    Sự công bằng tại nơi làm việc có thể mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh nhưng lại không dễ triển khai hợp lý.

    Cách đối xử công bằng thường mang tính chủ quan và mỗi nhân viên sẽ có nhận định riêng. Bạn cần thận trọng để không gây ấn tượng rằng một số cá nhân đang được đối xử đặc biệt hoặc bị gạt ra.

    Do đó, bạn phải liên tục thu thập ý kiến đóng góp về các sáng kiến công bằng để đảm bảo hiệu quả đúng như dự kiến.

Cách thể hiện sự công bằng tại nơi làm việc

Cách thể hiện sự công bằng tại nơi làm việc

Bằng cách thực hiện các bước sau để thúc đẩy sự công bằng và hiện đại hóa phương pháp làm việc, công ty bạn có thể trở nên tốt hơn, công bằng hơn.

1. Tiến hành kiểm tra tính công bằng

Bước đầu tiên để tạo ra lực lượng lao động công bằng là nắm được các vấn đề cần giải quyết.

Phân tích thông tin nhân khẩu học trong tổ chức để biết con đường sự nghiệp của mọi người. Hãy xem ai được tuyển dụng, ai được thăng chức và đội ngũ nào đa dạng nhất. Có phải một số nhóm nhân khẩu học không tiến triển với cùng tốc độ như những nhóm nhân khẩu học khác không? Tại sao lại như vậy? Dữ liệu bạn nắm giữ về lực lượng lao động của mình có thể cung cấp rất nhiều thông tin.

2. Tuyển dụng theo kỹ năng

Khi tuyển dụng, hãy tập trung vào các kỹ năng và kinh nghiệm trước đây thay vì quảng cáo tìm bằng cấp cụ thể. Không phải ai cũng được tiếp cận với giáo dục bậc cao, nhưng không nên vì thế mà họ mất đi cơ hội ứng tuyển vào công việc phù hợp với kỹ năng của mình. Đánh giá ứng viên dưới góc độ tập trung vào những gì họ có thể đạt được, chứ không phải nơi họ đã học đại học 10 năm trước.

3. Tìm hiểu nhân viên

Tìm hiểu xem yếu tố nào tạo động lực cho nhân viên và khuyến khích họ lên tiếng về các vấn đề ảnh hưởng đến họ. Đừng bao giờ tự cho rằng bạn biết họ cần gì. Khi bạn dành thời gian để hiểu rõ nhân viên hơn, lòng tin sẽ được vun đắp.

Tổ chức các buổi làm việc với từng cá nhân trong suốt cả năm để bạn có thể tìm hiểu về bối cảnh, gia đình và sở thích của mọi người, nhưng cần khéo léo sao cho họ không thấy bạn tọc mạch. Hoạt động này tạo nên mối quan hệ giống như quan hệ cố vấn, khiến nhân viên biết bạn quan tâm đến lợi ích của họ.

4. Cung cấp nguồn lực dễ tiếp cận

Quyền tiếp cận công bằng nghĩa là bạn cần suy nghĩ về không gian cơ sở vật chất và nguồn lực của mình, cũng như cân nhắc xem có phải tất cả nhân viên đều có cơ hội sử dụng những không gian, nguồn lực đó hay không. Ví dụ: Bạn có thể cần điều chỉnh để phòng họp thân thiện với xe lăn hoặc cung cấp công nghệ vòng lặp cảm ứng cho nhân viên suy giảm thính lực.

Không dễ để tạo ra nơi làm việc công bằng nhưng đây lại là mục tiêu quan trọng. Các doanh nghiệp đặt sự công bằng lên hàng đầu khi ra quyết định thường là nơi làm việc hạnh phúc hơn và thành công hơn, còn nhân viên của họ sẽ cảm thấy được trang bị đầy đủ để làm việc hiệu quả nhất.

Đọc tiếp:
Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Bài viết gần đây

Văn hoá | Thời gian đọc: 11 phút

Văn hóa tại nơi làm việc: Cách tạo ra nền văn hóa tích cực và tăng năng suất

Văn hóa tại nơi làm việc thậm chí còn quan trọng hơn trong thế giới làm việc từ xa và kết hợp. Tìm hiểu văn hóa tại nơi làm việc có ý nghĩa gì và cách cải thiện.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Các giá trị của tổ chức là gì và tại sao lại quan trọng?

Giá trị của tổ chức có thể định hướng cho nhân viên và là lý do để khách hàng tin tưởng. Tìm hiểu cách phát triển và truyền đạt các giá trị của tổ chức.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Bốn loại văn hóa của tổ chức: loại văn hóa nào tốt nhất cho doanh nghiệp?

Danh tính doanh nghiệp là sự kết hợp độc đáo giữa các nền văn hóa của tổ chức. Đây là cách xác định và tận dụng điểm mạnh của các nền văn hóa đó.