Tầm quan trọng của tinh thần sáng tạo trong công việc và 9 cách nâng cao tinh thần này

Dù bạn làm ở ngành nào, tinh thần sáng tạo ở nơi làm việc luôn là yếu tố quan trọng để đạt được thành công. Sau đây là cách nâng cao hơn nữa tinh thần sáng tạo trong công ty.

CộNG TáC THEO NHóM | THờI GIAN đọC: 7 PHúT
Creativity at Work
Thế nào là sáng tạo ở nơi làm việc?

Thế nào là sáng tạo ở nơi làm việc?

Khi nghĩ về tinh thần sáng tạo trong công việc, có lẽ bạn sẽ tưởng tượng ra cảnh kiến trúc sư làm việc trên bảng vẽ, nhà thiết kế đồ họa tạo hình ảnh cho những chiến dịch táo bạo hay nhà thiết kế thời trang dệt nên kiệt tác trên máy khâu. Tất cả những ví dụ này chắc chắn đều là hoạt động sáng tạo ở nơi làm việc, nhưng không phải là loại hình sáng tạo duy nhất có ý nghĩa trong doanh nghiệp.

Xét trên nghĩa rộng, sáng tạo nghĩa là có trí tưởng tượng phong phú, tò mò và sẵn sàng làm việc theo cách khác biệt. Bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo chứ không chỉ giới hạn ở một số phòng ban hay vai trò công việc cụ thể. Dù bạn thấy mình có tài năng nghệ thuật hay năng khiếu thiết kế hay không, tinh thần sáng tạo của bạn vẫn là đóng góp giá trị cho nơi làm việc.

Để ghi nhận tinh thần này, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang áp dụng tư duy thiết kế. Tư duy thiết kế là quy trình đổi mới và giải quyết vấn đề, bắt nguồn từ các ngành sáng tạo nhưng có thể áp dụng cho mọi loại hình công việc. Tư duy thiết kế giải quyết vấn đề bằng cách tập trung vào lòng đồng cảm và trải nghiệm của con người. Khi hiểu rõ hơn cách mọi người suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong lúc tương tác, bạn có thể tìm ra giải pháp hiệu quả.

Thông qua quy trình tư duy thiết kế, bạn có thể nảy ra nhiều ý tưởng, cũng như trở nên cởi mở với các phương pháp khác nhau nhằm giải quyết thách thức sáng tạo trước mắt. Với tư duy này, bạn cũng có thể thử sai nhiều lần để khám phá những khả năng khác nhau.

Để phát huy tinh thần sáng tạo, mọi cấp độ trong doanh nghiệp cần hiểu đúng và trân trọng tinh thần này. Lãnh đạo có thể đi đầu trong việc áp dụng tư duy sáng tạo nhằm nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo. Bằng cách trân trọng ý tưởng độc đáo cũng như đón nhận những giải pháp mới, họ có thể truyền đi thông điệp khuyến khích tinh thần sáng tạo và đổi mới. Lãnh đạo cũng có thể tạo điều kiện bằng cách dành ra không gian và thời gian cho hoạt động sáng tạo.

Cách hỗ trợ nhân viên tuyến đầu cộng tác

Nhân viên tuyến đầu có thể mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Nhưng họ chỉ thực hiện được nếu bạn kết nối và tiếp sức cho họ. Hãy tải danh sách kiểm tra xuống để tìm hiểu cách thực hiện.

Tại sao tinh thần sáng tạo ở nơi làm việc lại quan trọng?

Tại sao tinh thần sáng tạo ở nơi làm việc lại quan trọng?

Bằng trực giác, chúng ta hiểu được tinh thần sáng tạo mang lại tác động tích cực. Nhưng từ góc độ kinh doanh, tại sao chúng ta nên ưu tiên sự sáng tạo trong công ty? Có 2 yếu tố chính khiến nơi làm việc sáng tạo ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận.

Đầu tiên, nơi làm việc sáng tạo có nhiều khả năng sẽ là nơi làm việc mà nhân viên yêu thích. Kết quả nghiên cứu kỹ càng chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa sức khỏe toàn diện và tinh thần sáng tạo. Cụ thể, một số nghiên cứu cho thấy những người vui vẻ hơn sẽ sáng tạo hơn và khả năng sáng tạo làm chúng ta thấy hạnh phúc hơn. Theo Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford, nhân viên vui vẻ không chỉ thân thiện khi làm việc với người khác và có nhiều khả năng gắn bó với công việc hơn, mà còn đạt năng suất cao hơn 13%.

Môi trường sáng tạo cũng có thể cải thiện trải nghiệm của nhân viên theo những cách khác. Tinh thần sáng tạo trong công việc thường bao gồm kỹ năng cộng tác để giải quyết vấn đề và làm việc nhóm - những yếu tố làm mối quan hệ công việc trở nên bền chặt hơn, đồng thời nuôi dưỡng cảm giác gắn bó. Khi góp phần giải quyết vấn đề, nhân viên còn cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, nhờ đó thường trở nên gắn bó hơn với công việc.

Lợi ích tiếp theo mà tinh thần sáng tạo đem lại cho tổ chức bao gồm 2 yếu tố. Thứ nhất là khả năng thúc đẩy tăng trưởng - theo dữ liệu của Forrester, những công ty thể hiện tinh thần sáng tạo phát triển nhanh hơn 2,6 lần so với các công ty khác. Thứ 2 là khả năng đổi mới. Nhờ đổi mới, các công ty có thể bắt kịp xu hướng và duy trì sức cạnh tranh trong thị trường không ngừng thay đổi. Cũng thông qua đổi mới, họ có thể thích nghi với những thay đổi lớn và nhỏ bên ngoài, từ sự thay đổi về quy định cho đến sự kiện lớn trên thế giới. Nếu luôn làm theo cách thức truyền thống, giữ nguyên quy trình và công nghệ đã áp dụng từ khi thành lập, doanh nghiệp sẽ dễ có nguy cơ trở nên lạc hậu hoặc bị đối thủ cạnh tranh dần bỏ lại phía sau.

Sáng tạo và đổi mới là 2 khái niệm khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Trong bài viết trên Forbes, Eli Amdur giải thích:

"Sáng tạo là phẩm chất của cá nhân hoặc tổ chức, có khả năng tạo ra điều gì đó mới mẻ. Ý tưởng đổi mới chính là điều mới mẻ đó."

Nếu ý tưởng đổi mới mang lại lợi ích về mặt kinh doanh thì tinh thần sáng tạo chính là con đường dẫn đến ý tưởng đó.

Nâng cao tinh thần sáng tạo trong công việc

Nâng cao tinh thần sáng tạo trong công việc

Trong cuộc thăm dò ý kiến do Gallup thực hiện với khoảng 16.000 nhân viên, có 3 yếu tố được xem là nền tảng cần thiết tạo dựng nên nơi làm việc sáng tạo.

  • Kỳ vọng được sáng tạo trong công việc

  • Thời gian để sáng tạo

  • Quyền tự do để mạo hiểm khi cần thiết nhằm thể hiện sự sáng tạo

Nhưng làm cách nào để áp dụng những kiến thức đúc kết này vào công việc? Sau đây là 9 cách để công ty trở nên sáng tạo hơn.

1. Thảo luận lên ý tưởng một cách hiệu quả

Phương pháp thảo luận lên ý tưởng từ lâu đã là kỹ thuật phổ biến để đưa ra sáng kiến. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với phương pháp này. Tuy nhiên, buổi thảo luận lên ý tưởng cần vài bước chuẩn bị để diễn ra hiệu quả nhất có thể. Hãy thử nhiều hình thức giao tiếp khác nhau, bao gồm lời nói, chữ viết, hình vẽ và hoạt động đóng góp vào tài liệu của nhóm. Bạn cũng có thể khơi dậy sự sáng tạo thông qua bài tập nhóm. Hãy đảm bảo vị trí bạn chọn để thảo luận lên ý tưởng là nơi rộng rãi, không có nhiều yếu tố gây gián đoạn. Bạn cũng nên giữ nhiệt độ và tiếng ồn ở mức vừa phải để làm giảm sự căng thẳng.

2. Đội ngũ đa dạng

Đội ngũ càng đa dạng thì càng đem đến nhiều ý tưởng. Nghiên cứu đã chứng minh rằng trải nghiệm đa văn hóa và tinh thần sáng tạo có mối liên hệ với nhau. Cụ thể, một người càng có nhiều trải nghiệm đa văn hóa thì càng đạt hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực sáng tạo. Sức sáng tạo của công ty hưởng lợi nhờ trải nghiệm văn hóa phong phú trong đội ngũ, từ hoàn cảnh và nhóm tuổi khác nhau cho đến sự đa dạng về dân tộc, năng lực cũng như giới tính.

Thay vì triển khai ngay, bạn có thể đặt mục tiêu tuyển dụng lực lượng lao động đa dạng hơn trong giai đoạn từ trung đến dài hạn. Nhưng bạn có thể áp dụng ngay phương pháp tư duy mới vào quy trình sáng tạo bằng cách kết hợp nhóm người đến từ những đội ngũ, phòng ban khác nhau, thậm chí là thâm niên khác nhau.

3. Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo

Quy trình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo (CPS) ra đời vào những năm 1940, với cha đẻ là Alex Osborn thuộc Tổ chức Giáo dục Sáng tạo (Creative Education Foundation). Osborn cũng là người biến phương pháp thảo luận lên ý tưởng - một phần trong quy trình CPS - trở thành hiện tượng. CPS là quy trình đã trải qua thử nghiệm và kiểm chứng, xứng đáng để bạn cân nhắc nếu muốn giải quyết thách thức kinh doanh một cách sáng tạo.

Quy trình CPS bắt đầu từ bước tư duy phân kỳ - nghĩa là nghĩ ra nhiều ý tưởng nhất có thể trong buổi thảo luận lên ý tưởng, sau đó chuyển sang bước tư duy hội tụ - tại đây, bạn sẽ chọn ra những ý tưởng khả thi nhất từ buổi thảo luận, rồi phát triển kỹ lưỡng hơn. Trong CPS, vấn đề sẽ có dạng câu hỏi để khuyến khích câu trả lời dưới dạng giải pháp.

Một đặc trưng khác của quy trình này là phản hồi tích cực với gợi ý - luôn là "có và…" thay vì "không".

4. Tư duy tổng thể

Khi áp dụng tư duy tổng thể, bạn sẽ mở rộng góc nhìn để cân nhắc đến bối cảnh chung của vấn đề mà mình đang suy nghĩ. Ngoài cân nhắc trong bối cảnh hiện tại, bạn có thể đánh giá xem vấn đề đó phát sinh như thế nào và tại sao lại phát sinh, cũng như điều gì có thể xảy ra trong tương lai nếu bạn làm theo cách này hay cách khác trong công việc. Với tư duy tổng thể, bạn có thể tránh bị mắc kẹt với tiểu tiết của vấn đề hay thách thức để đi đến giải pháp.

5. Khuyến khích mạo hiểm một cách sáng tạo

Với nhiều doanh nghiệp, hành động mạo hiểm có thể là trở ngại đối với mục tiêu phát triển văn hóa sáng tạo hơn. Vì liên quan đến khả năng nghĩ ra ý tưởng mới, nên hoạt động sáng tạo có thể thách thức những quy trình, sản phẩm và cách làm việc đã tồn tại từ lâu. Lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng cũng có thể gặp rủi ro khi bạn dấn thân vào tình huống chưa chắc chắn, cũng như thử nghiệm phương pháp nào đó có khả năng không đạt kết quả như kỳ vọng.

Tuy nhiên, rủi ro là lẽ tự nhiên của quá trình sáng tạo. Đừng để tâm lý e ngại rủi ro khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội thu lại lợi ích. Nghĩa là bạn cần để nhân viên có quyền đưa ra những ý tưởng không hiệu quả, khen ngợi họ vì dám nghĩ dám làm, ngay cả khi cuối cùng ý tưởng không thành công.

6. Tránh đổ lỗi

Văn hóa đổ lỗi không có lợi cho ai cả. Khi mọi việc đi lệch hướng, hãy ngay lập tức chuyển sang đánh giá xem tại sao vấn đề lại xảy ra, có thể rút ra bài học nào. Qua đó, bạn có thể làm khác đi trong tương lai.

7. Tạo điều kiện cho dự án có đủ thời gian hoàn thiện

Hoạt động sáng tạo không giống những hình thức làm việc khác mà bạn có thể đẩy nhanh tiến độ bằng cách gia tăng áp lực. Quy trình sáng tạo của cá nhân hay đội ngũ có thể không diễn ra liền mạch - ý tưởng mới và những điểm sửa đổi sẽ xuất hiện bất ngờ qua quá trình cảm nhận trực giác. Mặc dù có thể xây dựng môi trường tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo, nhưng bạn không thể đòi hỏi mọi người sáng tạo nhanh hơn, thậm chí không thể yêu cầu họ nhất định phải sáng tạo.

Theo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, chúng ta có thể tìm ra "điểm cân bằng tối ưu" giữa quy trình sáng tạo và áp lực thời gian. Áp lực quá lớn sẽ làm giảm khả năng sáng tạo, nhưng không có áp lực có thể gây ra tình trạng trì trệ.

8. Dành thời gian cho dự án phục vụ đam mê

Bạn có thể củng cố tinh thần làm chủ và gắn bó bằng cách cung cấp cho nhân viên thời gian, không gian để thực hiện những dự án phục vụ đam mê - nơi họ có quyền độc lập và tự chủ. Loại dự án này cũng là cách để thu hoạch một số thành quả từ bước tư duy phân kỳ trong quy trình lên ý tưởng hoặc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo - tức là những ý tưởng không được phát triển nhưng vẫn có tiềm năng đem lại giá trị.

9. Khuyến khích cộng tác

Hoạt động cộng tác sáng tạo có thể thúc đẩy khả năng đóng góp của mỗi người, cũng như nâng cao động lực và nguồn cảm hứng vì ý tưởng được nhóm công nhận cũng như cổ vũ. Tuy nhiên, phương pháp cộng tác không phù hợp với mọi tình huống. Lý do là một số người không thấy thích làm việc nhóm như khi làm việc một mình. Để thực sự cộng tác sáng tạo, bạn cần tìm ra cách kết hợp giữa phương pháp làm việc độc lập, làm việc nhóm và chia sẻ ý tưởng sao cho phù hợp nhất với đội ngũ của mình.

Đọc tiếp:

Hãy luôn kết nối

Nhận tin tức và thông tin chi tiết mới nhất từ tuyến đầu.

Bằng cách gửi mẫu này, bạn đồng ý nhận các tài liệu truyền thông điện tử liên quan đến marketing từ Facebook, bao gồm tin tức, sự kiện, thông tin mới và email quảng cáo. Bạn có thể từ chối và hủy đăng ký nhận các email này bất cứ lúc nào. Bạn cũng xác nhận rằng mình đã đọc và đồng ý với các điều khoản về Quyền riêng tư của Workplace.

Liên quan

Sự cộng tác nhóm: Cách trở thành nhân tố quyết định trong đội ngũ

Tìm hiểu thêm
Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Liên quan

Sự cộng tác nhóm: Cách trở thành nhân tố quyết định trong đội ngũ

Tìm hiểu thêm

Bài viết gần đây

Làm việc từ xa | Thời gian đọc: 7 phút

Làm việc từ xa: Lợi ích và thách thức

Ngày càng nhiều người trong chúng ta đang và sẽ làm việc từ xa. Khám phá ưu và nhược điểm khi làm việc từ xa và cách khai thác tối đa mô hình này.

Cộng tác nhóm | Thời gian đọc: 8 phút

Cách cộng tác hiệu quả trong đội ngũ liên chức năng

Tìm hiểu cách khuyến khích sự cộng tác trong đội ngũ liên chức năng, đồng thời nắm rõ cách làm tốt nhất cũng như những khó khăn để tận dụng hiệu quả hơn sự cộng tác giữa các đội ngũ

Cộng tác | Thời gian đọc: 3 phút

Cộng tác đa ngành

Khám phá các bí quyết quan trọng để cải thiện hoạt động cộng tác đa ngành, bao gồm những lợi ích khi có nhiều quan điểm khác nhau và cách cải thiện khả năng làm việc nhóm tại nơi làm việc.