Kiệt sức trong công việc là gì và làm cách nào để phòng tránh tình trạng này?

Kiệt sức trong công việc không phải là khái niệm mới, nhưng tình trạng này đang ngày càng được biết đến rộng rãi hơn, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Hiện nay, khi mà nhiều nhân viên làm việc ít nhất là phần nào tại nhà, các công ty lại càng cần khuyến khích cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống, cũng như phòng tránh tình trạng kiệt sức.

VăN HóA | THờI GIAN đọC: 7 PHúT
Workplace burnout
Kiệt sức trong công việc là gì?

Kiệt sức trong công việc là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kiệt sức là một dạng kiệt quệ cảm xúc do căng thẳng kinh niên trong công việc. Tình trạng kiệt sức trong công việc có 3 triệu chứng chính:

  • Thiếu hoặc kiệt quệ năng lượng

  • Cảm thấy tiêu cực hoặc bi quan về công việc

  • Thiếu động lực

Nhưng những triệu chứng này chỉ có ý nghĩa phân loại chứ không cho biết rõ cảm giác kiệt sức sẽ như thế nào. Như các dạng căng thẳng khác, tình trạng kiệt sức có thể biểu hiện khác nhau tùy từng người. Tuy nhiên, nếu không khắc phục, ngay cả những triệu chứng nhẹ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất lâu dài của con người.

Sau đây chỉ là một số vấn đề sức khỏe tiềm tàng do kiệt sức trong công việc:

  • Mệt mỏi

  • Buồn bã hoặc tức giận kéo dài

  • Lạm dụng bia rượu hoặc chất gây nghiện

  • Bệnh tim

  • Huyết áp cao

  • Tiểu đường loại 2

  • Hệ miễn dịch suy yếu

Trong Báo cáo Thực trạng lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 của Gallup, 44% nhân viên trên thế giới cho biết mỗi ngày mình đều cảm thấy căng thẳng, 40% chia sẻ họ thấy lo lắng hàng ngày, 23% cảm thấy ngày nào cũng buồn bã và 21% cảm thấy ngày nào cũng tức giận.

Cảm giác căng thẳng và không vui trong công việc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của cá nhân, mà còn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đến các nhân viên khác và toàn bộ công ty. Tình trạng nhân viên thiếu niềm vui và động lực có liên hệ trực tiếp đến tỷ lệ vắng mặt, sự cố trong công việc và tỷ lệ nghỉ việc cao hơn. Do đó, vì lợi ích của mình, cả nhân viên và tổ chức đều cần xác định và khắc phục được tình trạng kiệt sức trong công việc nhằm xây dựng lực lượng lao động vui vẻ cũng như đầy hứng khởi.

Gỡ rối công việc nhờ Workplace

Từ khâu thông báo cho mọi người về kế hoạch quay trở lại văn phòng đến quá trình áp dụng mô hình làm việc kết hợp, Workplace làm cho công việc trở nên đơn giản hơn.

Tại sao lại xảy ra tình trạng kiệt sức?

Tại sao lại xảy ra tình trạng kiệt sức?

Căng thẳng liên quan đến công việc là nguyên nhân gây căng thẳng thường gặp nhất ở Vương quốc Anh, với 79% người tham gia khảo sát cho biết họ thưởng xuyên thấy căng thẳng vì công việc. Thực trạng này cũng xảy ra tại Hoa Kỳ, với 40% người lao động thừa nhận rằng mình cảm thấy căng thẳng ở nơi làm việc, 25% cho biết công việc là nguyên nhân lớn nhất gây ra căng thẳng trong cuộc sống của họ. Nhưng chính xác thì nguyên nhân của dạng căng thẳng này là gì?

Cơ quan Sức khỏe và An toàn của Vương quốc Anh (HSE) xác định những nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng căng thẳng do công việc bao gồm: quá nhiều hoặc quá ít việc, cảm giác mất kiểm soát, các mối ưu tiên mâu thuẫn lẫn nhau và thay đổi lớn trong nội bộ. Tuy nhiên, văn hóa làm việc tại nhà mới ra đời làm nảy sinh càng nhiều yếu tố có thể tác động, trong đó có cảm giác cô lập và lo lắng về tài chính. Mặc dù với một số người, hình thức làm việc từ xa đã cải thiện khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng với những người khác, ranh giới mờ nhạt giữa công việc và cuộc sống khiến họ khó rời khỏi công việc vào cuối ngày.

Trên thực tế, căng thẳng liên quan đến công việc đã tăng 65% kể từ khi đại dịch toàn cầu bùng phát. Do đó, các quản lý và lãnh đạo càng phải hiểu được nguyên nhân gây kiệt sức và cách phòng tránh.

Sau đây là các nguyên nhân thường gặp nhất gây căng thẳng trong công việc tại Vương quốc Anh vào năm 2021:

  • Khối lượng công việc

  • Các yếu tố ngoài công việc - như mối quan hệ và gia đình

  • Phong cách quản lý

  • Vấn đề sức khỏe

  • Lo âu do Covid

  • Thách thức liên quan đến hình thức làm việc tại nhà

  • Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống do làm việc tại nhà

  • Áp lực phải đạt mục tiêu và kịp thời hạn

Dấu hiệu kiệt sức trong công việc là gì?

Dấu hiệu kiệt sức trong công việc là gì?

Như với mọi vấn đề, bạn có thể đối phó hiệu quả với tình trạng kiệt sức nếu phát hiện sớm. Mặc dù tình trạng căng thẳng cũng như kiệt quệ tinh thần có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, nhưng có một số dấu hiệu kiệt sức thường gặp mà quản lý và lãnh đạo có thể chú ý đến:

Thay đổi hành vi

Thay đổi rõ rệt về hành vi của nhân viên ở nơi làm việc có thể chỉ ra rằng họ đang phiền muộn do công việc hoặc vấn đề khác ngoài nơi làm việc. Dù là trường hợp nào, nếu thay đổi trong hành vi ngày càng rõ ràng ở nơi làm việc thì có khả năng cao nhân viên này đang phải chịu một loại căng thẳng nào đó. Ví dụ về thay đổi hành vi có thể kể đến như né tránh trách nhiệm, trầm cảm, cáu kỉnh hoặc cố tình tránh nhiệm vụ quan trọng.

Thiếu tập trung

Trì hoãn, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc hoặc hoàn toàn lỡ thời hạn là một dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn khác về tình trạng kiệt sức. Nếu những nhân viên vốn thường chăm chỉ và tận tụy lại đột nhiên có vẻ mất động lực hay phân tâm thì rất có khả năng họ đang bị kiệt quệ tinh thần.

Bi quan và tiêu cực

Biểu hiện tiêu cực hay bi quan không giống với tính cách bình thường của nhân viên có thể là dấu hiệu kiệt sức trong công việc. Cảm giác thất vọng với vai trò của mình hay với công ty nói chung có thể là do thay đổi gần đây trong nội bộ. Nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của cảm giác bất mãn kéo dài. Lãnh đạo và quản lý cần ứng phó với biểu hiện tiêu cực bằng tấm lòng cảm thông cũng như suy nghĩ cởi mở, cố gắng hiểu nguyên nhân đằng sau thay vì phán xét nhân viên.

Né tránh tiếp xúc xã hội

Hành vi né tránh tiếp xúc xã hội là dấu hiệu đặc trưng của căng thẳng. Những nhân viên đang kiệt quệ về tinh thần có thể cảm thấy khó tham gia các cuộc họp định kỳ hay sự kiện xã hội. Đối với nhân viên làm việc theo hình thức từ xa hay kết hợp, bạn có thể khó phát hiện ra hành vi né tránh tiếp xúc xã hội hơn, nhưng tốt nhất vẫn nên kiểm tra nếu cảm thấy gượng gạo hơn hoặc khó sắp xếp hơn bình thường khi giao tiếp với họ.

Nghỉ ốm hoặc vắng mặt

Những lần nghỉ ốm hoặc vắng mặt có vẻ khác thường hay không giống với thói quen của nhân viên có thể là dấu hiệu cho thấy nhân viên bị kiệt sức. Quản lý nên hỏi thăm tế nhị và tránh phán xét nếu nhân viên vắng mặt thất thường hoặc vào phút chót, cũng như nghỉ ốm nhiều lần nhưng triệu chứng lại không rõ ràng.

Cách tránh kiệt sức ở nơi làm việc

Cách tránh kiệt sức ở nơi làm việc

Mặc dù đôi khi tình trạng căng thẳng ở nơi làm việc là không thể tránh khỏi, nhưng quản lý và lãnh đạo có thể đặt ra một số quy trình đơn giản để tránh phát sinh căng thẳng trong công việc và ngăn căng thẳng tiến triển thành kiệt sức.

Sau đây là 5 bước đơn giản để tránh kiệt sức:

1. Quản lý khối lượng công việc

Theo HSE, áp lực từ khối lượng công việc là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra căng thẳng do công việc. Nhưng những công cụ đơn giản (như phần mềm theo dõi thời gian hay lên kế hoạch điện tử) có thể dễ dàng cải thiện vấn đề bằng cách đem lại khả năng quan sát khối lượng công việc một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, quản lý có thể sử dụng các công cụ này để đặt ưu tiên rõ ràng cho những công việc cần hoàn thành.

Một điểm quan trọng khác là cần ý thức rằng nhiệm vụ phức tạp hơn có thể mất nhiều thời gian hơn kế hoạch ban đầu. Công ty có thể tạo điều kiện linh hoạt và giờ nghỉ đều đặn để giảm áp lực thời hạn gấp gáp, đồng thời mang lại cho nhân viên sự tự do mà họ cần nhằm đạt năng suất cao nhất.

2. Khuyến khích các mối quan hệ trong đội ngũ

Khi nhân viên có mối quan hệ tốt đẹp trong công việc với đồng nghiệp cũng như quản lý, đương nhiên họ sẽ thấy vui vẻ và sẵn sàng tìm kiếm hỗ trợ hơn.

Trong lịch hàng tuần của nhân viên, bạn có thể đặt ra thời gian cho hoạt động gắn kết đôi ngũ và cộng tác làm việc. Đây là cách tuyệt vời để khuyến khích văn hóa làm việc tích cực, xây dựng niềm tin và tạo ra môi trường mà mọi người có thể truyền đạt và giải quyết vấn đề nhanh chóng, thay vì gây áp lực cho các thành viên trong đội ngũ.

3. Thường xuyên kiểm tra

Bạn có thể gặp mặt 1-1 định kỳ với nhân viên để họ cảm thấy được hỗ trợ, ngay cả khi không phải lúc nào họ cũng có vấn đề cần giải tỏa. Những lần kiểm tra hàng tuần hay 2 tuần 1 lần không chỉ là cách để người quản lý theo dõi tiến độ công việc, mà còn là nơi để nhân viên bày tỏ mối lo lắng của mình, trong đó có áp lực khối lượng công việc hoặc các vấn đề về xung đột ở nơi làm việc.

Mối quan hệ với quản lý phải luôn được xây dựng trên cơ sở giao tiếp thường xuyên. Yếu tố này đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhân viên làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp vì có thể họ không có cơ hội nêu vấn đề hay chỉ đơn giản là giải tỏa khúc mắc.

4. Trân trọng ý kiến của nhân viên

Để nhân viên cảm thấy được trân trọng ở nơi làm việc, yếu tố không thể thiếu là khuyến khích nhân viên lên tiếng. Nhưng lợi ích không dừng lại ở nhân viên. Theo nghiên cứu của Salesforce, những nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe sẽ có động lực cao hơn 4,6 lần để làm việc hết mình.

Bạn cũng cần minh bạch với nhân viên khi có thay đổi trong doanh nghiệp và cho họ cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định. Bằng cách này, bạn sẽ khuyến khích nhân viên đưa ra ý kiến cởi mở và trung thực. Qua đó, quản lý và lãnh đạo có được thông tin đúc kết mà họ cần để xây dựng văn hóa tích cực phù hợp với mọi người.

5. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Trong thế giới công việc có nhịp độ nhanh như ngày nay, doanh nghiệp lại càng cần ưu tiên sức khỏe của nhân vên để thúc đẩy cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như ngăn chặn tình trạng kiệt sức. Không có giải pháp toàn diện cho vấn đề này. Câu trả lời sẽ khác nhau tùy vào tính chất của doanh nghiệp và cấu trúc của đội ngũ- dù làm việc tại văn phòng, hoàn toàn từ xa hay theo hình thức kết hợp. Đây là yếu tố đóng vai trò rất lớn đối với loại chương trình chăm sóc sức khỏe mà bạn có thể thiết lập.

Ví dụ về chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bao gồm đưa ra giờ làm việc linh hoạt, đào tạo kiến thức tài chính, chế độ khen thưởng để tôn vinh thành công của nhân viên, quyền sử dụng phòng tập thể dục và hoạt động giải tỏa căng thẳng hàng tháng (như du lịch kết hợp yoga và ngày gắn kết đội ngũ). Tất cả những phương pháp này có thể giải tỏa áp lực cho nhân viên cũng như xây dựng cộng đồng ở nơi làm việc.

Đọc tiếp:

Hãy luôn kết nối

Nhận tin tức và thông tin chi tiết mới nhất từ tuyến đầu.

Bằng cách gửi mẫu này, bạn đồng ý nhận các tài liệu truyền thông điện tử liên quan đến marketing từ Facebook, bao gồm tin tức, sự kiện, thông tin mới và email quảng cáo. Bạn có thể từ chối và hủy đăng ký nhận các email này bất cứ lúc nào. Bạn cũng xác nhận rằng mình đã đọc và đồng ý với các điều khoản về Quyền riêng tư của Workplace.

Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Bài viết gần đây

Văn hoá | thời gian đọc: 11 phút

Văn hóa tại nơi làm việc: Cách tạo ra nền văn hóa tích cực và tăng năng suất

Văn hóa tại nơi làm việc thậm chí còn quan trọng hơn trong thế giới làm việc từ xa và kết hợp. Tìm hiểu văn hóa công ty có ý nghĩa gì và cách cải thiện.

Khả năng lãnh đạo | Thời gian đọc: 4 phút

10 bài học từ cuộc sống dành cho nhà lãnh đạo

Chính các trải nghiệm chân thật, thực tế sẽ định hình con người và cách lãnh đạo của chúng ta. Sau đây là 3 trong số những ví dụ tiêu biểu nhất.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Bốn loại văn hóa của tổ chức: loại văn hóa nào tốt nhất cho doanh nghiệp?

Danh tính doanh nghiệp là sự kết hợp độc đáo giữa các nền văn hóa của tổ chức. Đây là cách xác định và tận dụng điểm mạnh của các nền văn hóa đó.