Công việc trong vũ trụ kỹ thuật số sẽ như thế nào? Mô hình làm việc kết hợp sẽ còn tồn tại không? Mặc dù không thể chắc chắn 100% về những gì sẽ xảy ra phía trước nhưng ít nhất bạn có thể chuẩn bị để tổ chức mình sẵn sàng cho tương lai.

2 năm vừa qua đã vĩnh viễn thay đổi thế giới công việc. Đại dịch cho chúng ta thấy cách làm việc quan trọng hơn rất nhiều so với nơi làm việc.

Mô hình làm việc từ xa và kết hợp đã trở thành chuẩn mực đối với nhiều tổ chức, đồng thời mở ra vô vàn cơ hội cho nơi làm việc hiện đại.

Những sự tiến bộ về công nghệ như vũ trụ kỹ thuật số, thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo cũng thúc đẩy nhiều thay đổi đối với việc làm, nhiệm vụ cũng như kỹ năng. Cuộc cách mạng kỹ thuật số tạo nên tác động đáng kể đối với mọi ngành, từ y học từ xa ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho đến thương mại điện tử trong ngành bán lẻ.

Bất kể tương lai mang đến điều gì, chìa khóa mở ra thành công chính là sự phối hợp những yếu tố tốt nhất từ môi trường ảo, thực và kết hợp để phát huy tối đa tiềm năng của lực lượng lao động.

Hãy cùng thảo luận về tương lai của công việc

Chúng tôi đang nỗ lực giải đáp một số câu hỏi quan trọng nhất về cách làm việc trong vũ trụ kỹ thuật số. Hãy cùng tìm hiểu.

Tương lai của công việc sẽ như thế nào?

Tương lai của công việc sẽ như thế nào?

Do đại dịch thúc đẩy, những thay đổi vốn len lỏi dần dần, đều đặn vào không gian làm việc đã tăng tốc nhanh chóng theo nhu cầu cấp thiết là phải giữ cho mọi người được khỏe mạnh và an toàn.

Ngay cả khi không có quả cầu tiên tri, chúng ta cũng có thể dự đoán rằng mô hình làm việc kết hợp và từ xa vẫn sẽ được duy trì. Cả công ty lẫn nhân viên đều bắt đầu nhận thức rõ những lợi ích của việc giảm đi lại, lịch làm việc linh hoạt và chất lượng cuộc sống được cải thiện mà mô hình làm việc từ xa mang đến. Xu hướng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, trong những năm tới, các tổ chức cần tinh chỉnh cách tiếp cận mô hình làm việc nhóm từ xa để tái tạo những mối quan hệ kết nối xã hội, tình bạn và cộng tác mà cho đến nay, mọi người chỉ có được khi gặp nhau trực tiếp ở nơi làm việc. Nếu không, cảm giác bị cô lập, chán nản và tinh thần làm việc giảm có thể tăng.

Đây là lúc vũ trụ kỹ thuật số - một thế giới Internet mà bạn có thể bước vào - có khả năng thực sự thay đổi mọi thứ. Vũ trụ này sẽ mở ra khả năng khai phá những chuẩn mực làm việc mới trong không gian mà Mark Zuckerberg - Tổng Giám đốc Meta - gọi là "văn phòng vô cực".

Nói cách khác, những người lao động sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ có thể tạo cũng như chia sẻ thế giới cộng tác online. Ở đó, họ có thể giao lưu, chơi game hoặc làm việc cùng nhau trong các dự án bất kể họ ở đâu. Mặc dù các công cụ online hiện đã biến viễn cảnh này thành hiện thực, nhưng đây sẽ trở thành trải nghiệm sống động hơn rất nhiều, xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và ảo.

Công nghệ tự động hóa cũng sẽ tác động rất lớn đến việc định hình tương lai của công việc. Mặc dù công nghệ tự động hóa này có thể thay thế hàng triệu việc làm và nhiệm vụ, nhưng lịch sử cho thấy nỗi sợ rằng máy móc nắm quyền là vô căn cứ. Sự lo ngại này cũng đã xảy ra vào thời Cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, thị trường lao động có xu hướng điều chỉnh theo sự tiến bộ về công nghệ, những việc làm bị mất đi sẽ được bù đắp bằng những việc làm mới.

Vậy thì chúng ta sẽ có gì ở phía trước? Một báo cáo nghiên cứu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra 8 kịch bản về tương lai của công việc sẽ như thế nào vào năm 2030. Báo cáo này làm rõ rằng những kịch bản đó không phải là dự đoán. Đó là những ý tưởng kích thích sự thảo luận và hỗ trợ các tổ chức chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra (thậm chí là một tương lai không như ý) dựa trên nhiều cách kết hợp khác nhau của sự thay đổi công nghệ, cuộc cách mạng về học tập và sự luân chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao.

  1. Lực lượng lao động tự cung tự cấp

    Lực lượng lao động tự cung tự cấp xuất hiện ở những nền kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc, nhắm đến sự tự túc. Kịch bản này giữ nguyên hiện trạng, không có sự tăng tốc về công nghệ, học tập hoặc tính luân chuyển. Tình hình như vậy buộc các công ty phải chuyển công việc đòi hỏi trình độ cao đến những quốc gia có thị trường không bị hạn chế.

  2. Sự chuyển dịch hàng loạt

    Trong kịch bản này, cả người lao động trình độ thấp và trình độ cao đều thay đổi để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Mặc dù tình hình như vậy tạo điều kiện cho các tổ chức thu hút được nhân tài tốt nhất, nhưng cũng làm tăng sự cạnh tranh, có khả năng dẫn đến căng thẳng xã hội.

  3. Sự thay thế của robot

    Sự tiến bộ về công nghệ dẫn đến nhiều việc làm bị máy móc thay thế hơn, bao gồm những việc làm đòi hỏi trình độ cao. Sự tiến triển chậm chạp trong lĩnh vực học tập tạo nên nhu cầu cao về kỹ năng mới như lập trình và phát triển dữ liệu. Nhưng trớ trêu thay, chính điều đó lại làm tăng nhu cầu về công nghệ thay thế con người.

  4. Thế giới phân cực

    Công nghệ tự động hóa tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ thủ công lẫn phi thủ công, với việc robot, máy móc và thuật toán xử lý hầu hết các hoạt động sản xuất của thế giới. Tình hình này làm cho phần lớn lực lượng lao động trở nên thất nghiệp. Do đó, sự luân chuyển quy mô lớn tạo ra những siêu cường kinh tế phân tán trên toàn cầu.

  5. Nhà khởi nghiệp được trao quyền

    Tiến độ thay đổi công nghệ phù hợp với tiến độ học hỏi, do các chính phủ và doanh nghiệp đều dự đoán cũng như phản ứng chính xác với tình trạng thiếu hụt kỹ năng có thể xảy ra. Việc này tạo ra tính năng động tại nơi làm việc, trong đó người lao động tạo ra cơ hội kinh doanh cho chính mình.

  6. Dòng nhân lực trình độ cao

    Quá trình học hỏi diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra lực lượng lao động năng động, giàu động lực và có trình độ cao trong các lĩnh vực, ngành nghề và khu vực khác nhau.

  7. Nguồn lực nội bộ năng suất cao

    Công nghệ đã thay thế nhiều vai trò thủ công và phi thủ công. Nhưng với các cuộc cải cách trong giáo dục, sự đầu tư của doanh nghiệp vào kỹ năng cùng khát vọng học hỏi trọn đời của người lao động, sự tự động hóa và việc làm cho con người đã có sự cân bằng tốt đẹp.

  8. Những người thích ứng linh hoạt

    Nhiều việc làm được tự động hóa, nhưng nhu cầu về người lao động để bổ trợ cho máy móc vẫn cao, nhờ có sự tạo ra các vai trò mới. Mô hình làm việc online cũng như sự luân chuyển ở mức cao tạo nên một lực lượng lao động thực sự linh hoạt và toàn cầu hóa.

Employee working from home - example of how the future of work can look like
Cách công nghệ sẽ thay đổi tương lai của công việc

Cách công nghệ sẽ thay đổi tương lai của công việc

Công nghệ kỹ thuật số - từ hội thảo video cho đến điện toán đám mây - đóng vai trò hết sức to lớn trong quá trình đưa nhân viên vượt qua đại dịch. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Hãy cùng tìm hiểu tác động có thể xảy ra của sự tiến bộ hơn nữa trong quá trình số hóa công việc.

5G

Sự chuyển dịch sang mạng không dây 5G có tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong toàn bộ các ngành từ sản xuất, vận tải cho đến y tế và bán lẻ. Công nghệ 5G hỗ trợ khả năng kết nối siêu nhanh và tích hợp các công nghệ như AR và VR.

Các nhà máy thông minh sẽ tinh giản quy trình, còn phương tiện tự động sẽ thay đổi hoạt động vận tải hàng hóa. Trong lĩnh vực y tế, những bác sĩ không thể đi đến nơi xa xôi sẽ khám bệnh và chẩn đoán trực tuyến nhiều hơn. Người ta cũng hy vọng 5G trở nên dễ tiếp cận hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa người lao động có thu nhập cao và thấp.

Vũ trụ kỹ thuật số

Một số người như quân nhân, bác sĩ phẫu thuật và phi công chuyên nghiệp đã sử dụng kính AR lẫn VR để tập luyện. Nhưng vũ trụ kỹ thuật số của tương lai sẽ làm cho hoạt động cộng tác và chia sẻ ý tưởng trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

Bạn sẽ tham gia những cuộc họp trực tuyến trong hình dạng avatar 3D hoặc truy cập chương trình đào tạo trực tuyến bất cứ khi nào mình muốn. Bạn cũng đưa được bộ máy tính đã thiết lập hoàn hảo theo mình đến bất kỳ đâu, nghĩa là có thể đưa máy tính đến công viên vào một ngày nắng đẹp. Bác sĩ phẫu thuật tập sự cũng có thể đứng cạnh các chuyên gia trong lĩnh vực của mình khi họ phẫu thuật ở nửa bên kia của thế giới. Kiến trúc sư tại Vương quốc Anh sẽ nhìn qua kính AR để quan sát mô hình 3D lơ lửng trên bàn làm việc của họ, trong khi giáo viên tại Hoa Kỳ hướng dẫn họ về các nguyên lý thiết kế chủ đạo. Các khả năng là vô tận...

Tự động hóa, AI và robot

Khi cần đạt hiệu quả cao hơn mà không làm giảm chất lượng, chúng ta phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự tự động hóa. Gartner dự đoán vào năm 2024, các tổ chức sẽ tiết kiệm 30% chi phí vận hành bằng cách kết hợp sự tự động hóa nhiệm vụ với các quy trình hiện có.

Robot sẽ thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ trong kho, bệnh viện và cửa hàng bán lẻ, đồng thời đảm nhiệm một số công việc nguy hiểm hơn mà con người đang làm. Trợ lý AI sẽ học hỏi hình mẫu làm việc của chúng ta để hỗ trợ ta cải thiện năng suất, hiệu quả và hoạt động quản lý nhật ký.

Mặc dù hiệu quả tăng là kết quả tốt, quá trình này chắc chắn đòi hỏi sự tái cân bằng các vai trò trong công việc. Nhiều mối lo ngại cũng ngày càng tăng thêm xoay quanh vấn đề sử dụng dữ liệu thu thập được thông qua công nghệ mới tại nơi làm việc. Các nhà lập pháp có thể cần đưa ra quy định về AI dựa trên đạo đức, trách nhiệm và quyền sở hữu trí tuệ để cải thiện sự tin cậy đối với công nghệ.

Internet vạn vật

Internet vạn vật (IoT) chỉ hàng tỷ thiết bị kết nối Internet và thu thập dữ liệu trên mạng không dây mà không có sự can thiệp của con người.

Tại nơi làm việc, IoT góp phần tối ưu hóa quy trình - như tự động đặt mực in khi hết mực hoặc tắt đèn và máy điều hòa khi không có ai trong phòng. Công nghệ IoT đang nổi lên này sẽ khiến cho nơi làm việc thậm chí còn thông minh hơn, tự động hóa các quy trình check in và sử dụng cảm biến không gian để xác định những khu vực quá đông đúc. Những quy trình tiết kiệm sức lao động sẽ giải phóng thêm thời gian để mọi người có thể tư duy sáng tạo và tập trung vào những nhiệm vụ phức tạp hơn.

Cách chuẩn bị cho tương lai của công việc

Cách chuẩn bị cho tương lai của công việc

Để bắt kịp tiến độ thay đổi nhanh chóng, bạn có thể thấy vất vả, nhưng nếu không thích ứng thì bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Các cấp lãnh đạo phải chủ động trong việc chuẩn bị cho lực lượng lao động sẵn sàng đối mặt với những thay đổi và thách thức trong thập kỷ tới. Những lĩnh vực chính cần xem xét bao gồm:

  • Trải nghiệm của nhân viên

    Đại dịch đã thay đổi những gì mọi người kỳ vọng ở công việc. Nhân viên muốn được công ty tin cậy giao cho họ làm việc tại bất cứ nơi đâu. Bạn cần mang lại trải nghiệm nhân viên tích cực tại thời điểm diễn ra sự thay đổi lớn thì mới có thể giữ chân nhân tài hàng đầu.

    Với chỉ 34% nhân viên tại Hoa Kỳ cảm thấy gắn kết tại nơi làm việc, hầu hết các tổ chức vẫn còn rất nhiều thứ phải làm trên mặt trận này. Trước tiên, họ phải có những người quản lý biết đồng cảm để khích lệ, truyền cảm hứng và hỗ trợ đội ngũ bất cứ lúc nào cần đến. Một ý tưởng cũng rất hay là trao không gian lẫn thời gian cho nhân viên theo đuổi những dự án phụ, để tinh thần họ luôn tươi mới và khơi dậy sự sáng tạo.

  • Đào tạo và học hỏi

    Những công nghệ mới xuất hiện, lực lượng lao động đang già đi và tác động của đại dịch đã thay đổi hoàn toàn loại kỹ năng cần thiết để phát triển mạnh mẽ trong thời đại công việc mới này. Cũng như với kỹ năng số, nhu cầu về kỹ năng cảm xúc và kỹ năng xã hội cũng đang tăng. Theo Khảo sát toàn cầu của McKinsey về hoạt động học thêm kỹ năng mới, hầu hết các nhà điều hành đều cho rằng hình thức đào tạo nhân sự hiện có là cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách kỹ năng - quan trọng hơn so với tuyển dụng, thuê khoán hoặc bố trí lại nhân viên.

    Nếu đầu tư vào hoạt động nâng cao kỹ năng và đào tạo kỹ năng mới cho nhân viên cũng như chú trọng hơn về kỹ năng giao tiếp, doanh nghiệp có khả năng sẽ gặt hái được lợi ích lớn nhất.

  • Tìm kiếm nhân viên giỏi

    Những cách làm việc mới tạo ra cơ hội để xây dựng lực lượng lao động đa dạng và hòa nhập. Cụ thể, mô hình làm việc từ xa có thể tạo ra sân chơi công bằng cho mọi người thuộc mọi bối cảnh xuất thân, bất kể chủng tộc, độ tuổi, giới tính hoặc tình trạng khuyết tật.

    Sẽ có nhiều tổ chức hơn chủ động xây dựng sự đa dạng trong đội ngũ của mình và triển khai các biện pháp để chống lại tình trạng thành kiến vô thức. Biện pháp này có thể bao gồm việc gỡ tên khỏi sơ yếu lý lịch và tổ chức những cuộc phỏng vấn "mù", trong đó ứng viên lẫn người phỏng vấn không nhìn thấy nhau.

  • Không gian văn phòng

    Tạo ra văn phòng phù hợp với tương lai không chỉ có nghĩa là thay đổi sơ đồ chỗ ngồi và lắp đặt máy pha cà phê mới.

    Những căn buồng nhỏ và hàng dài bàn làm việc sẽ nhường chỗ cho không gian cộng tác, phòng họp mặt video, phần mềm đặt bàn và các lợi ích về sức khỏe tinh thần như không gian vườn. Nhiều công ty đang chuyển hướng sang mô hình doanh nghiệp làm việc kết hợp, trong đó nhân viên đôi khi có thể làm việc tại nhà, còn văn phòng sẽ chủ yếu dùng cho các cuộc họp, hội ý và hoạt động cộng tác. Một nghiên cứu cho thấy 58% công ty đang xây dựng phòng họp, 31% có không gian ngoài trời và 69% có quầy cà phê hoặc nhân viên pha chế cà phê tại chỗ.1

  • Văn hóa nơi làm việc

    Khi nhu cầu của nhân viên thay đổi, bạn sẽ không lựa chọn trở về hiện trạng như trước nếu muốn giữ cho nơi làm việc vui vẻ và tràn đầy động lực. Một điểm tích cực là đại dịch này buộc nhiều tổ chức suy nghĩ lại về văn hóa nơi làm việc của mình.

    Văn hóa tích cực không chỉ là cơ hội làm việc từ xa và giờ làm việc linh hoạt. Văn hóa tích cực chính là việc thúc đẩy giá trị công ty, khuyến khích sự cởi mở và làm mọi người cảm thấy hòa nhập. Nơi làm việc của tương lai sẽ chú trọng nhiều hơn vào hoạt động tạo ra cảm giác cộng đồng và trải nghiệm cá nhân hóa để đưa mọi người vào cuộc trò chuyện, đồng thời tạo điều kiện để họ là chính mình khi làm việc.

Nhân viên nói gì về tương lai của công việc

Nhân viên nói gì về tương lai của công việc

Đối với nhiều người, đại dịch là khoảnh khắc khai sáng. Khoảnh khắc này làm cho mọi người nhận ra họ thực sự xem trọng thứ gì trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Khi các vị trí cần tuyển dụng tăng vọt và người lao động rời khỏi thị trường lao động hàng loạt, nhân viên giờ đây nắm nhiều quyền lực và có thể tiếp tục như vậy trong tương lai gần.

Những tổ chức muốn thu hút và giữ chân nhân tài để phát triển mạnh mẽ đều phải hiểu rõ những yếu tố mà lực lượng lao động của tương lai ưu tiên.

Theo International Workforce Insights Study (Nghiên cứu thông tin chi tiết về lực lượng lao động quốc tế) do BCW thực hiện, với sự hợp tác của Workplace from Meta, nhân viên hiện nay có 5 yêu cầu hàng đầu đối với nơi làm việc như sau:

1. Công việc có ý nghĩa

2. Cảm giác được người quản lý trực tiếp trân trọng và hỗ trợ

3. Cảm giác được đội ngũ làm việc trực tiếp trân trọng và hỗ trợ

4. Đặc quyền và lợi ích tại nơi làm việc

5. Sự lãnh đạo hiệu quả

Tính linh hoạt cũng tiếp tục là yếu tố mà lực lượng lao động toàn cầu ưu tiên. 2/3 (67%) nhân viên cho biết họ muốn thấy nhiều sự thay đổi hơn nữa trong tổ chức để có thể làm việc theo giờ linh hoạt hoặc trong môi trường làm việc kết hợp.

Nhân viên ngày nay - nhất là Thế hệ Z - muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và người lãnh đạo phải minh bạch, dễ tiếp cận và biết thấu hiểu. Theo khảo sát của BCW, 90% tổng số nhân viên cho biết Tổng Giám đốc nên ủng hộ cách làm việc đạo đức, còn 87% chia sẻ rằng họ nên đảm bảo tất cả các cấp bậc trong tổ chức đều có thể tiếp cận mình.

Trong khi đó, khảo sát của Harvard Business Review cho thấy:

  • 86% nhân viên đồng ý rằng lực lượng lao động đa dạng sẽ trở nên thậm chí còn quan trọng hơn nữa, khi vai trò, kỹ năng và yêu cầu của công ty thay đổi theo thời gian

  • 83% nhân viên cho rằng người lao động thường sẽ rời khỏi thành phố và những khu vực đô thị khác nếu có thể làm việc từ xa trong phần lớn thời gian, từ đó tạo ra nhiều trung tâm làm việc mới ở các khu vực nông thôn

Qua đây, chúng ta thấy rằng lực lượng lao động tương lai không chịu nhiều tác động từ lợi ích tài chính mà là sự cân bằng tốt hơn giữa đời sống và công việc cũng như cơ hội làm nên điều khác biệt. Mọi người thực sự muốn một công việc phù hợp với lối sống, giá trị và mục tiêu cá nhân của mình. Họ muốn được đánh giá dựa trên giá trị mà họ mang lại chứ không phải khối lượng công việc.

Mối lo ngại ở đây là sự kỳ vọng của nhân viên có thể không khớp với kỳ vọng của công ty họ. Tuy nhiên, tổ chức nào có thể lắng nghe và xem trọng yêu cầu của nhân viên thì sẽ thu về những phần thưởng đáng kể nhất.

Thách thức và cơ hội trong tương lai của công việc

Thách thức và cơ hội trong tương lai của công việc

Phía trước có thể là thời kỳ thật thú vị, khi hoạt động cộng tác qua VR, những đồng nghiệp robot và sự đổi mới về AI đã sẵn sàng thay đổi đời sống làm việc của chúng ta. Dù mở ra vô vàn cơ hội, viễn cảnh này cũng mang đến nhiều thách thức. Sau đây là một số lĩnh vực cần tập trung:

  • Khoảng cách kỹ năng

    Nhiều nhà lãnh đạo nhận thấy việc tuyển dụng nhân sự cho tất cả những kỹ năng mới mà họ cần là không khả thi. Thay vào đó, giải pháp tốt nhất là tìm kiếm nội bộ và phát triển nhân viên giỏi mà họ đang có. Phương pháp này thường nhanh hơn, hiệu quả hơn về chi phí và tốt cho tinh thần của nhân viên.

    Trong Upskilling Hopes and Fears Survey (Khảo sát về nỗi sợ và hi vọng về việc nâng cao kỹ năng) do PwC thực hiện, 77% người lao động trên toàn thế giới nói rằng họ sẵn sàng học hỏi kỹ năng mới hoặc được đào tạo lại hoàn toàn. Nhưng dù mọi người rất quyết tâm, một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty phải đối mặt là việc dự đoán mọi người thực sự cần đến kỹ năng nào trong 10 năm tiếp theo. Khi sự tự động hóa thay thế một số việc làm cụ thể, những người có kỹ năng truyền thống hơn cần được tạo điều kiện để đào tạo lại.

  • Công bằng và bình đẳng

    Nơi làm việc của tương lai sẽ tập trung thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng. Bình đẳng là khi tất cả thành viên của lực lượng lao động đa dạng có cơ hội như nhau cũng như sự hỗ trợ cần thiết để họ phát triển và thành công. Ví dụ: để thực hiện cùng một nhiệm vụ, người kế toán khuyết tật có thể cần nguồn lực khác so với người kế toán không khuyết tật.

    Bình đẳng không dễ dàng có được trong một sớm một chiều. Bạn chỉ có thể đạt được sự bình đẳng bằng cách tạo ra nơi làm việc đa dạng, hòa nhập và công bằng. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét kỹ lưỡng tất cả các quy trình nhân sự từ góc nhìn bình đẳng. Ví dụ: tất cả mọi người có tiếp cận được nội dung mô tả công việc không? Bạn có triển khai chương trình định hướng không? Đặc quyền cho nhân viên là dành cho mọi người hay có khả năng làm cho một số nhân viên cảm thấy bị loại trừ?

  • Tiếp cận nguồn nhân tài rộng lớn hơn

    Một trong những lợi ích đáng kể nhất của mô hình làm việc từ xa là vị trí địa lý không còn là sự hạn chế. Bạn có thể tiếp cận nhân viên giỏi ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng việc tuyển dụng từ nguồn nhân tài toàn cầu cũng có những thách thức riêng. Ví dụ: bạn không thể tổ chức ngày mở cửa để biết ứng viên tiềm năng có phù hợp với văn hóa công ty bạn hay không. Bạn cũng có thể cần xem xét luật lao động địa phương về những phương diện như quyền đi nghỉ phép, lương hưu và nghỉ ốm.

    Trong tương lai, có khả năng ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ chỉ tuyển dụng nhân viên toàn thời gian cho nhóm cốt lõi. Sau đó, họ sẽ tuyển dụng những vai trò cần thiết khác từ freelancer hoặc người cộng tác bên ngoài khác không cần lợi ích dành cho nhân viên trong công ty.

  • Học hỏi và phát triển

    Trong môi trường làm việc kết hợp, bạn không thể áp dụng cách tiếp cận "một phương pháp phù hợp cho tất cả" vào chiến lược học hỏi và phát triển. Chương trình đào tạo sẽ cần được cá nhân hóa và linh hoạt hơn, vì nhân viên cần được hỗ trợ để học hỏi mọi lúc, mọi nơi, theo điều kiện của họ. Sẽ hữu ích nếu bạn hướng đến việc cung cấp nội dung ở nhiều định dạng khác nhau, bao gồm webinar, video và thậm chí là VR tương tác. Bạn có thể ngừng đánh giá hiệu quả công việc và thay bằng những cách linh hoạt hơn để đưa ra và nhận về ý kiến đóng góp cho/từ nhân viên. Người lãnh đạo đội ngũ sẽ chú trọng hoạt động huấn luyện, phát triển kỹ năng và tạo điều kiện để nhân viên đặt ra mục tiêu của riêng mình thay vì quản lý sát sao.

  • Định hình lại nơi làm việc

    Tại nơi làm việc của tương lai, hệ thống phân cấp văn phòng truyền thống sẽ không còn quan trọng như trước. Việc áp dụng các cấu trúc quản lý phẳng như mô hình không cấp bậc - trao cho nhân viên quyền làm chủ nhiều hơn đối với công việc mà không cần chức danh cứng nhắc - sẽ gia tăng. Toàn bộ lực lượng lao động cũng sẽ có tiếng nói hơn về hướng đi của tổ chức.

    Các công ty sẽ được xây dựng từ xa ngay từ đầu, thay vì có 1 hoặc 2 đội ngũ từ xa hoặc thỉnh thoảng để cho nhân viên làm việc tại nhà. Những cuộc họp mặt trực tiếp ngoài đời sẽ là ngoại lệ chứ không còn là quy tắc khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ hỗ trợ họ tuyển dụng nhân tài từ nhiều múi giờ khác nhau. Thay vì tạo nhóm người lao động theo vị trí hoặc phòng ban, một tổ chức hiện đại có thể tạo nhóm theo dự án hoặc vấn đề họ đang nỗ lực giải quyết.

    Cuối cùng, tương lai của công việc chú trọng hoạt động thúc đẩy năng suất và tương tác trong môi trường làm việc kết hợp. Tương lai của công việc sẽ hình thành với trọng tâm mũi nhọn là công nghệ, tính linh hoạt, sự tự động hóa và phương pháp tiếp cận xoay quanh con người. Tương lai của công việc đang diễn ra ngay lúc này. Bạn sẵn sàng bước vào chưa?

Đọc tiếp:

Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Bài viết gần đây

Văn hoá | thời gian đọc: 11 phút

Văn hóa tại nơi làm việc: Cách tạo ra nền văn hóa tích cực và tăng năng suất

Văn hóa tại nơi làm việc thậm chí còn quan trọng hơn trong thế giới làm việc từ xa và kết hợp. Tìm hiểu văn hóa tại nơi làm việc có ý nghĩa gì và cách cải thiện.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Các giá trị của tổ chức là gì và tại sao lại quan trọng?

Giá trị của tổ chức có thể định hướng cho nhân viên và là lý do để khách hàng tin tưởng. Tìm hiểu cách phát triển và truyền đạt các giá trị của tổ chức.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Bốn loại văn hóa của tổ chức: loại văn hóa nào tốt nhất cho doanh nghiệp?

Danh tính doanh nghiệp là sự kết hợp độc đáo giữa các nền văn hóa của tổ chức. Đây là cách xác định và tận dụng điểm mạnh của các nền văn hóa đó.