Âm thầm từ bỏ: khái niệm và cách ngăn chặn

Âm thầm từ bỏ (quiet quiting) là một trong những cụm từ nổi bật trong năm 2022. Nhưng tại sao hiện tượng âm thầm từ bỏ lại là mối lo ngại của các tổ chức? Doanh nghiệp có thể làm gì để loại bỏ tư tưởng này từ trong trứng nước?

VăN HóA | THờI GIAN đọC: 7 PHúT
Quiet Quitting - Workplace from Meta

Từ lâu, thói quen làm việc muộn, kiểm tra email ngoài giờ làm và tình nguyện tổ chức hoạt động ngoại khóa đã trở thành lệ thường ở nơi làm việc. Nhưng tư tưởng đó đang thay đổi. Giờ đây, nhân viên từ chối làm việc bất kể giờ giấc và đặt ra ranh giới cho văn hóa này - cũng như đăng suy nghĩ của mình lên mạng xã hội.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu được những nguyên nhân đằng sau hiện tượng đang ngày càng phổ biến này, đồng thời đưa ra một số bí quyết thiết thực để phòng tránh.

Âm thầm từ bỏ là gì?

Âm thầm từ bỏ là gì?

Dù có tên gọi như vậy nhưng âm thầm từ bỏ không thực sự có nghĩa là nghỉ việc, mà là chỉ bỏ ra công sức tối thiểu để giữ được việc làm. Nói cách khác, bạn chỉ hoàn thành những nghĩa vụ công việc theo hợp đồng và "từ bỏ" mọi nỗ lực nằm ngoài mức đó. Nhân viên vẫn đi làm, nhưng không bao giờ cố gắng vượt qua kỳ vọng dành cho họ. Hiện tượng này có chút giống tình trạng làm việc để đình công không chính thức.

Âm thầm từ bỏ là một dạng thờ ơ ở nhân viên, thể hiện theo nhiều cách như:

  • Ngày nào cũng tan làm không chậm một giây

  • Không trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm

  • Từ chối những dự án không nằm trong mô tả công việc

  • Không xung phong đảm nhận nhiệm vụ

  • Chỉ nhận việc dễ

  • Không dành nhiều cảm xúc cho công việc

  • Không sẵn lòng bỏ thêm công sức cho nhiệm vụ

Âm thầm từ bỏ có thể xem là tác dụng phụ của xu hướng khác hậu đại dịch - Đại khủng hoảng lao động. Trong Đại khủng hoảng này, những người "lên tiếng từ bỏ" đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng họ cảm thấy không được trân trọng và bỏ hẳn công việc để tìm cơ hội mới ở nơi khác. Mặt khác, những người âm thầm từ bỏ thì rút khỏi tổ chức hiện tại của mình trong tư tưởng, lẳng lặng giảm nỗ lực trong công việc cho dù tỷ lệ năng suất đang trở nên đáng lo ngại. Cũng như những tay sát thủ thầm lặng, người âm thầm từ bỏ còn nguy hiểm hơn người lên tiếng từ bỏ vì họ làm lợi nhuận của bạn hao hụt dần khi bạn không thực sự nhận ra.

Tìm hiểu cách các nhà lãnh đạo nhân sự toàn cầu xây dựng văn hóa công ty

Tải xuống 6 bí quyết này của chuyên gia để khám phá mối liên hệ giữa sự gắn bó của nhân viên và văn hóa công ty.

Hiện tượng âm thầm từ bỏ lan rộng đến mức nào?

Hiện tượng âm thầm từ bỏ lan rộng đến mức nào?

Một bộ phận nhân viên đang chọn âm thầm từ bỏ làm cách đối phó với tình trạng căng thẳng và kiệt sức vì phải làm việc nhiều giờ liền mà không hề được nghỉ ngơi. Theo cuộc thăm dò ý kiến do Gallup thực hiện, số nhân viên âm thầm từ bỏ chiếm ít nhất 50% lực lượng lao động của Hoa Kỳ. Mặc dù tất cả các thế hệ đều đã đánh giá lại trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng thế hệ Z là những người đi đầu trong phong trào suy xét lại lựa chọn nghề nghiệp. Trong số những người thuộc thế hệ Z, 82% cho rằng ý tưởng chỉ làm ở mức tối thiểu để giữ được việc là suy nghĩ "khá hoặc cực kỳ hấp dẫn".

Tư tưởng này thể hiện rõ giữa hàng nghìn bình luận đăng trên mạng kèm hashtag #ÂmThầmNghỉViệc (#quietquitting). Ví dụ: "Tôi chỉ làm vừa đủ để không bị sa thải hay bị để ý"; "Tôi đã thay đổi phương châm làm việc thành 'cố gắng để trở nên tầm thường'"; và "nỗ lực ngoài kỳ vọng cần đến tiền lương ngoài kỳ vọng".

Trên toàn cầu, châu Âu là khu vực có tỷ lệ phần trăm thấp nhất xét về số lượng nhân viên tận tâm. Theo báo cáo của Gallup về môi trường làm việc toàn cầu năm 2022, Vương quốc Anh chỉ có 9% nhân viên tận tâm hoặc nhiệt huyết với công việc, đứng thứ 33 trong số 38 quốc gia châu Âu. Số liệu này là hồi chuông cảnh báo rằng các công ty cần nghiêm túc nhìn nhận hiện tượng âm thầm từ bỏ.

Đối với người lao động thuộc thế hệ Z dưới 25 tuổi, giá trị họ xem trọng nhất là tính linh hoạt và công việc có ý nghĩa. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch, ngày càng ít nhân viên trẻ quan tâm đến cơ hội phát triển và có được những cơ hội như vậy. Con số này nêu bật tầm quan trọng trong việc đảm bảo đào tạo đầy đủ các quản lý để đáp ứng nhu cầu của tài năng trẻ.

Ảnh hưởng của hiện tượng âm thầm từ bỏ

Ảnh hưởng của hiện tượng âm thầm từ bỏ

Nhìn bề ngoài, xu hướng âm thầm từ bỏ không có vẻ là vấn đề quá lớn. Suy cho cùng, những nhân viên này vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ chính của mình. Nhưng nhiều công ty có được lợi thế cạnh tranh nhờ sở hữu lực lượng lao động luôn nỗ lực hết mình.

Lực lượng lao động thiếu tận tâm sẽ không có lợi cho kết quả kinh doanh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số tổ chức phải chịu thiệt hại tài chính tương đương với 20% mức lương hàng năm của những nhân viên âm thầm từ bỏ. Trong khi đó, toàn nền kinh tế Anh gánh tổn thất £340 tỷ mỗi năm.

Một trong những hậu quả rõ ràng nhất của tình trạng âm thầm từ bỏ là năng suất giảm sút. Mặc dù vẫn làm cho xong trách nhiệm, nhưng nhân viên có thể sẽ không đóng góp vào văn hóa công sở, cũng như hoạt động cộng tác, lên ý tưởng và họp hành.

Những người âm thầm từ bỏ thường là nhân viên từng rất nhiệt huyết nhưng dần kiệt sức, bị đánh giá thấp và vỡ mộng. Tinh thần làm việc kém khiến họ không còn hăng hái vì đội ngũ như trước. Từ đó, mâu thuẫn có thể phát sinh giữa các đồng nghiệp và làm cho môi trường làm việc nói chung trở nên độc hại.

Tình hình cũng chẳng thể khá hơn trước Đại khủng hoảng lao động và tình trạng thiếu hụt kỹ năng. Khi một nhân viên nghỉ việc, những đồng nghiệp khác sẽ được kỳ vọng đứng ra lấp chỗ trống cho đến khi tìm ra người thay thế, thay vì quản lý giảm khối lượng công việc. Nhân viên có thể trở nên kiệt sức và bất mãn khi công ty có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao hoặc phải đợi lâu để đào tạo người mới.

Tại sao nhân viên lại âm thầm từ bỏ?

Tại sao nhân viên lại âm thầm từ bỏ?

Mặc dù quan niệm "làm để sống" thay vì "sống để làm" không còn mới, nhưng đại dịch đã làm xu hướng này nhân rộng lên. Sau thời gian ở nhà cách ly, nhiều người đã đánh giá lại tác động của quá trình đi làm hàng ngày, giờ làm việc và vấn đề thiếu thời gian cho bản thân. Nguyên nhân mọi người âm thầm từ bỏ bao gồm:

Tổ chức hoạt động giữa khủng hoảng

Trong những năm gần đây, thế giới lao đao từ hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ dịch Covid bùng phát, chiến tranh ở Ukraine cho đến tình hình kinh tế đang bất ổn. Tất cả các sự kiện toàn cầu này có tác động vô cùng lớn đến doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định và sức khỏe tinh thần của mọi người. Ngay cả những nhân viên tích cực nhất cũng sẽ nhụt chí khi phải làm việc trong môi trường luôn căng thẳng.

Kỹ năng lãnh đạo và quản lý kém

Thành viên đội ngũ sẽ nhiều khả năng nghỉ việc trong tư tưởng hơn khi cảm thấy quản lý không thực sự quan tâm đến lợi ích cao nhất của họ hoặc không giao tiếp hiệu quả. Một thực trạng thường gặp là nhân viên bày tỏ lo ngại nhưng lại cảm thấy quản lý không phản hồi đúng mực.

Khi cho rằng lãnh đạo của mình sẽ không hỗ trợ, mọi người sẽ tự giải quyết bằng cách đặt ra ranh giới.

Khả năng đảm bảo công việc cao hơn

Do tình trạng thiếu kỹ năng và chi phí tuyển dụng cao, quyền lực đã chuyển sang tay nhân viên kể từ sau đại dịch. Người lao động không còn thấy biết ơn chỉ vì có việc làm - họ muốn công việc phải có ý nghĩa và sẵn sàng đưa ra yêu cầu cao hơn để đạt được mục tiêu đó. Nếu không được đáp ứng những yêu cầu này, có thể họ sẽ có ít động lực làm việc vượt kỳ vọng.

Nhân viên đánh giá lại tầm quan trọng của công việc sau Covid

Đại dịch đã khiến ngày càng nhiều người suy nghĩ về lựa chọn nghề nghiệp của mình, cách họ được đối xử ở nơi làm việc và những giá trị thực sự quan trọng với họ. Suy cho cùng, chẳng mấy người trong chúng ta sẽ nhìn lại cuộc đời mình mà ước đáng lẽ mình nên làm việc nhiều hơn. Thông điệp đó thực sự chạm đến tâm can trong giai đoạn Covid: công việc không phải là tất cả. Nếu không khuyến khích sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống, công ty đó sẽ không phải là cơ hội hấp dẫn.

Nhân viên cảm thấy bị đánh giá thấp và không nhận được đãi ngộ xứng đáng

Hầu hết nhân viên đều sẵn lòng bỏ thêm công sức vào một số thời điểm, nhưng sẽ chuyển sang trạng thái tiêu cực nếu tinh thần sẵn sàng này bị xem là hiển nhiên và trở thành thông lệ.

Mọi người ít có xu hướng nỗ lực ngoài kỳ vọng nếu cảm thấy bị đánh giá thấp, không được trân trọng và không gắn bó với công việc. Lương thấp, không có tiến triển trong sự nghiệp và cảm giác bị xem thường chỉ là một vài lý do khiến nhân viên từ bỏ.

Cách ngăn chặn tình trạng âm thầm từ bỏ

Cách ngăn chặn tình trạng âm thầm từ bỏ

Xu hướng phản kháng bằng cách âm thầm từ bỏ là mối lo ngại với các tổ chức vì đây là dấu hiệu cho thấy công ty và nhân viên đang ngày càng mất kết nối với nhau. Sau đây là một số phương án giải quyết khả dĩ cho hiện tượng âm thầm từ bỏ, nhằm khích lệ nhân viên của bạn luôn nỗ lực hết mình.

Kiểm soát khối lượng công việc

Khối lượng công việc quá nhiều là một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng lo âu và kiệt sức. Nếu bạn yêu cầu nhân viên đảm nhận thêm trách nhiệm, hãy xem đó là thỏa thuận ngắn hạn hoặc đền đáp cho nỗ lực của họ bằng cách thăng chức.

Những nhân viên ít kinh nghiệm hơn có thể sẽ muốn được hướng dẫn cách ưu tiên lượng công việc để không bị choáng ngợp. Đáng lo thay, chưa đến 4/10 nhân viên trẻ làm việc từ xa hoặc làm việc theo hình thức kết hợp biết mình cần đáp ứng kỳ vọng gì trong công việc. Sử dụng hướng dẫn rõ ràng, chẳng hạn như xếp nhiệm vụ theo mức ưu tiên cao, trung bình hoặc thấp.

Xây dựng lại mối quan hệ

Bạn nên xây dựng mối quan hệ với đội ngũ, nhất là trong giai đoạn có nhiều người làm việc ở nhà như hiện nay. Nếu rơi vào trạng thái không có thông tin giao tiếp nào, mọi người có thể lo lắng và bất mãn. Vì vậy, hãy đảm bảo các kênh đối thoại liên tục hoạt động. Khi hành xử như một người thường chứ không phải sếp lớn hay ai đó không rõ mặt ở phía bên kia màn hình, lãnh đạo sẽ thường xây dựng được mối quan hệ tốt hơn với nhân viên.

Thú vị thay, theo nghiên cứu của Harvard Business Review, những người quản lý giỏi nhất sẽ có ít hơn 3-4 nhân viên âm thầm từ bỏ trong đội ngũ so với người quản lý yếu kém hơn.

Ghi nhận và đền đáp công sức của nhân viên

Bất kỳ ai cũng đều muốn cảm thấy được trân trọng. Một cách để bày tỏ lòng trân trọng là trả mức lương cạnh tranh so với thị trường và tiêu chuẩn sống hiện tại. Nhưng cũng đừng quên rằng bạn có thể ghi nhận nhân viên bằng hình thức khác ngoài tiền bạc, chẳng hạn như công khai khen ngợi, cung cấp phúc lợi và giờ làm việc linh hoạt.

Bằng cách ghi nhận và khen thưởng nhân viên vì kết quả xuất sắc, bạn đang cho nhân viên thấy tầm quan trọng của họ. Hơn nữa, khi được công nhận rõ ràng vì những thành tựu của mình, nhân viên sẽ ít có khả năng chìm vào đám đông và âm thầm từ bỏ.

Trao cho nhân viên cơ hội lên tiếng

Nếu cảm thấy không được lắng nghe, nhân viên có thể phản ứng bằng cách trở nên thờ ơ. Hãy chân thành lắng nghe nhân viên và ghi nhận cảm xúc của họ nhằm ngăn tình trạng trên xảy ra.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách lên lịch chat định kỳ và họp đội ngũ bằng cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Là lãnh đạo, bạn có trách nhiệm tạo ra môi trường an toàn để nhân viên thoải mái lên tiếng.

Cải thiện các sáng kiến sống vui khỏe

Khi bạn quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc của nhân viên, họ sẽ ít có xu hướng tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách rút lui khỏi công việc.

Bạn có thể thực hiện một số bước tích cực như giới thiệu chương trình hướng dẫn chánh niệm, cung cấp hình thức làm việc từ xa ít nhất 1 ngày trong tuần và hỗ trợ quản lý tài chính.

Không để ranh giới bị nhập nhằng

Hình thức làm việc kết hợp và làm việc từ xa có thể làm mờ ranh giới giữa đời tư và công việc. Đôi khi, âm thầm từ bỏ là cách phản ứng khi ranh giới trong công việc không được tôn trọng. Hãy đặt ra chính sách rằng nhân viên không bắt buộc phải trả lời cuộc gọi hay email ngoài giờ làm hoặc áp dụng hệ thống ca trực. Tạo điều kiện cho nhân viên làm việc muộn được về sớm vào ngày khác.

Bạn càng chủ động bảo vệ quyền có thời gian riêng tư của nhân viên, họ càng ít có khả năng tự mình xử lý.

Tóm lại, âm thầm từ bỏ là vấn đề cần lưu tâm vì đặc điểm của hiện tượng này sẽ làm giảm năng suất, mức tăng trưởng và lợi nhuận. Những nhân viên thờ ơ sẽ không đóng góp hết khả năng của mình. Tuy nhiên, hiện tượng này còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của khả năng duy trì trạng thái cân bằng và phòng tránh kiệt sức, bất kể bạn thuộc thế hệ nào.

Đọc tiếp

Liên quan

Tìm hiểu cách các nhà lãnh đạo nhân sự toàn cầu xây dựng văn hóa công ty

Tải xuống ngay

Liên quan

Khám phá những thông tin mới nhất về khách hàng và đối tác trong phần Tin tức trên Workplace.

Tìm hiểu thêm

Liên quan

Tại sao Đa dạng và Hòa nhập đóng vai trò quan trọng?

Tìm hiểu thêm
Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Liên quan

Tại sao Đa dạng và Hòa nhập đóng vai trò quan trọng?

Tìm hiểu thêm

Bài viết gần đây

Văn hoá | thời gian đọc: 11 phút

Văn hóa tại nơi làm việc: Cách tạo ra nền văn hóa tích cực và tăng năng suất

Văn hóa tại nơi làm việc thậm chí còn quan trọng hơn trong thế giới làm việc từ xa và kết hợp. Tìm hiểu văn hóa tại nơi làm việc có ý nghĩa gì và cách cải thiện.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Các giá trị của tổ chức là gì và tại sao lại quan trọng?

Giá trị của tổ chức có thể định hướng cho nhân viên và là lý do để khách hàng tin tưởng. Tìm hiểu cách phát triển và truyền đạt các giá trị của tổ chức.

Văn hóa | Thời gian đọc: 8 phút

Bốn loại văn hóa của tổ chức: loại văn hóa nào tốt nhất cho doanh nghiệp?

Danh tính doanh nghiệp là sự kết hợp độc đáo giữa các nền văn hóa của tổ chức. Đây là cách xác định và tận dụng điểm mạnh của các nền văn hóa đó.