Cách chuyển đổi từ vị trí quản lý sang vị trí lãnh đạo

Quá trình chuyển đổi từ cấp quản lý sang cấp lãnh đạo có thể đặt ra nhiều thách thức. Bạn cần tìm hiểu những kỹ năng và cách thức mới để chuyển đổi thành công.

KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO | THờI GIAN đọC: 8 PHúT

Câu hỏi về những yếu tố tạo nên lãnh đạo giỏi làm nổ ra tranh luận rất gay gắt. Thử hỏi 10 người khác nhau, bạn sẽ nhận được 10 câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là năng lực lãnh đạo phụ thuộc vào một số kỹ năng và phẩm chất chính. Nhưng những kỹ năng, phẩm chất đó có gì khác với người quản lý?

Trong quá trình thăng tiến trong doanh nghiệp, bạn cần chuẩn bị những yếu tố sau cho vai trò mới của mình để chuyển đổi mượt mà nhất có thể.

Điểm khác biệt giữa kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng quản lý là gì?

Điểm khác biệt giữa kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng quản lý là gì?

Vai trò của người quản lý và người lãnh đạo có liên hệ mật thiết với nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Mặc dù cả 2 vai trò đều cần thiết để đội ngũ thành công, nhưng mỗi vai trò có cách thức khác nhau để đạt mục tiêu.

Cấp quản lý tập trung cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động. Cấp lãnh đạo chú trọng hơn vào nhiệm vụ xây dựng môi trường để mọi người nhận thấy cơ hội và khai thác tối đa tiềm năng của mình. Nói cách khác, như chuyên gia kỹ năng lãnh đạo người Mỹ Warren Bennis từng nhận định: "Người quản lý đặt câu hỏi như thế nào và khi nào; người lãnh đạo đặt câu hỏi cái gì và tại sao."

Hơn nữa, người quản lý giỏi không nhất thiết sẽ trở thành người lãnh đạo giỏi. Trên thực tế, chỉ 10% trong số mọi người là có năng lực lãnh đạo thiên phú. Khi nghĩ đến con số 40-50% lãnh đạo mới không hoàn thành vai trò của mình trong 18 tháng đầu tiên, bạn có thể kết luận rằng quá trình bước lên vị trí mới sẽ rất khó khăn. Thậm chí bạn có thể phải thay đổi hoàn toàn tư duy của mình.

Trong cuộc tranh luận về người lãnh đạo và người quản lý, sau đây là một số điểm khác biệt giữa 2 vai trò này:

Người quản lý truyền mệnh lệnh, người lãnh đạo truyền cảm hứng

Người quản lý thường để ý đến chi tiết, có đầu óc tổ chức và chú trọng hiệu quả. Họ đảm bảo nhân viên hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn và phù hợp với ngân sách.

Mặt khác, người lãnh đạo thì khuyến khích nhân viên vượt qua kỳ vọng dành cho họ mà không ra lệnh cho họ phải làm gì. Người lãnh đạo thường rất có sức hút, năng động và nhiệt tình, khiến mọi người muốn đi theo họ.

Người quản lý kiểm soát, người lãnh đạo trao quyền

Người quản lý thường tham gia trực tiếp. Họ sẽ kiểm soát đội ngũ của mình và tổ chức họp thường xuyên để đánh giá dự án và thảo luận về kỳ vọng.

Người lãnh đạo không quản lý chi li. Họ tin tưởng vào hiệu quả khi trao quyền cho đội ngũ của mình, giao trách nhiệm và tạo không gian để đội ngũ làm việc. Người lãnh đạo vẫn giám sát mọi việc nhưng sẽ trang bị cho nhân viên nguồn lực và kiến thức cần thiết để họ tự gặt hái thành công.

Người quản lý tập trung vào quy trình, người lãnh đạo tập trung vào con người

Người quản lý phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ để đảm bảo khối lượng công việc hàng ngày của nhân viên sẽ đóng góp vào mục tiêu tổng thể công ty đặt ra.

Người lãnh đạo giỏi đem lại cho nhân viên cảm giác gắn kết và có mục đích, qua đó có thể làm tăng năng suất cùng mức độ hài lòng trong công việc. Nhân viên sẽ gắn bó với công việc khi họ cảm thấy vui vẻ - nghĩa là công ty tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc bỏ ra để tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Người quản lý đặt chỉ tiêu ngắn hạn, người lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn

Động lực của người quản lý là mục tiêu hàng ngày ở cấp độ phòng ban. Những mục tiêu này không nhất thiết phải kết nối với nhau về lâu dài. Mối quan tâm chính của người quản lý là duy trì sự ổn định và tình trạng hiện có.

Người lãnh đạo là người có tầm nhìn xa trông rộng. Họ ủng hộ thay đổi và chào đón ý tưởng mới. Đối với họ, chỉ tiêu là bước đệm để đạt được mục tiêu lớn hơn của công ty. Hãy hình dung thế này - người lãnh đạo nhìn thấy cả cánh rừng, người quản lý nhìn thấy từng cây riêng lẻ.

Những bước đầu tiên để chuyển đổi từ vị trí quản lý sang vị trí lãnh đạo

Những bước đầu tiên để chuyển đổi từ vị trí quản lý sang vị trí lãnh đạo

Bằng cách lên kế hoạch cẩn thận, bạn không nhất thiết phải thấy áp lực với quá trình chuyển đổi sang vị trí lãnh đạo. Hãy làm theo các bước sau để chuẩn bị tinh thần cho vai trò lãnh đạo mới:

Đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn

Thật không dễ để tự soi chiếu bản thân, nhưng đây lại là bước rất quan trọng. Ngoài đánh giá những phẩm chất tốt nhất của mình, hãy xác định cả lỗ hổng kiến thức và các lĩnh vực cụ thể bạn cần cải thiện. Bạn có thể giải quyết những điểm thiếu sót này bằng cách sử dụng khóa đào tạo lãnh đạo hoặc chương trình cố vấn cho lãnh đạo mới.

Những lãnh đạo giỏi nhất luôn không ngừng học hỏi và thu thập ý kiến đóng góp. Họ chuyên tâm cải thiện bản thân để mở rộng kiến thức và kỹ năng.

Lắng nghe, quan sát và suy ngẫm

Bạn có thể sẽ muốn nhảy vào việc ngay và thực hiện thay đổi tức thì để thể hiện mình là người quyết đoán, nhưng một trong những sai lầm lớn nhất của những người lần đầu làm lãnh đạo chính là cố làm quá nhiều việc từ quá sớm. Hãy dành thời gian quan sát, lắng nghe và tìm hiểu về tổ chức và nhân viên của bạn.

Ngay cả khi đã làm việc trong công ty từ lâu, bạn vẫn cần làm quen với cách đánh giá mọi việc từ góc nhìn khác. Nhờ đó, trong quá trình phát triển với tư cách lãnh đạo và tích lũy kinh nghiệm, bạn có thể áp dụng ý tưởng của mình vào thực tế và tự tin hơn rằng ý tưởng đó sẽ thành công.

Hiểu được phong cách lãnh đạo của bạn

Bạn muốn trở thành người lãnh đạo như thế nào? Là người huấn luyện thay vì chuyên quyền? Là tiếng nói tạo ra thay đổi? Là người tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào quá trình ra quyết định?

Hãy xác định phong cách lãnh đạo phù hợp nhất với bạn cũng như đội ngũ và văn hóa của công ty bạn, sau đó áp dụng phong cách này hàng ngày. Sự nhất quán là một trong những phẩm chất quan trọng của mọi lãnh đạo vì khi hành động nhất quán, bạn sẽ toát lên phong thái bình tĩnh và cho mọi người biết những điểm họ đồng tình với bạn.

Lên kế hoạch và đánh giá thành công

Một cách để chú tâm rèn luyện bản thân thành lãnh đạo giỏi chính lập kế hoạch. Kế hoạch này cần thống nhất với mục tiêu và giá trị của đội ngũ. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 48% nhân viên đánh giá đội ngũ lãnh đạo trong công ty mình là "chất lượng cao". Vì vậy, bạn phải tìm ra cách làm việc hiệu quả hơn, thu thập ý kiến đóng góp từ nhân viên, cũng như lên kế hoạch tiếp nhận chức vụ lãnh đạo một cách mượt mà.

Trong quá trình này, bạn cần tìm cách theo dõi tiến độ của kế hoạch để đảm bảo mình đang đi đúng hướng. Bên cạnh số liệu cho những khía cạnh như biên lợi nhuận và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, hãy tạo số liệu cho các vấn đề ít hiển nhiên hơn như mức độ gắn bó của nhân viên và mức độ trao quyền cho nhân viên. Để thực hiện, bạn có thể dùng các công cụ khác nhau như khảo sát nhân viên và thảo luận theo nhóm.

Gỡ rối công việc nhờ Workplace

Từ khâu thông báo cho mọi người về kế hoạch quay trở lại văn phòng đến quá trình áp dụng mô hình làm việc kết hợp, Workplace làm cho công việc trở nên đơn giản hơn.

7 kỹ năng lãnh đạo bạn cần học

7 kỹ năng lãnh đạo bạn cần học

Theo báo cáo Xu hướng nguồn nhân lực toàn cầu năm 2021 của Deloitte, 94% lãnh đạo cấp cao cho rằng công tác phát triển kỹ năng lãnh đạo có ý nghĩa thiết yếu với thành công của tổ chức họ. Nhưng chỉ 23% cho rằng đội ngũ lãnh đạo của họ có những kỹ năng cần thiết để dẫn dắt nhân viên trong thế giới "phi ranh giới" ngày nay.

Khi chuyển từ cấp quản lý sang cấp lãnh đạo, bạn cần học một số kỹ năng quan trọng. Các kỹ năng này bao gồm:

1. Tư duy chiến lược

Khả năng tư duy chiến lược là một trong những kỹ năng tạo nên điểm khác biệt giữa người lãnh đạo và người quản lý. Nói đơn giản, bạn cần có kế hoạch dài hạn và xác định cách tốt nhất để đạt mục tiêu.

Như vậy, bạn sẽ nắm được cơ hội lớn nhất để thành công, hiểu rõ thị trường từ trong ra ngoài, rèn được kỹ năng phân tích dữ liệu, dự đoán vấn đề và phản ứng nhanh chóng với thay đổi.

2. Tạo sức ảnh hưởng và xây dựng mối quan hệ

Các lãnh đạo giỏi đều có tài thuyết phục và tạo sức ảnh hưởng đến người khác, cũng như có thể nhanh chóng xây dựng mối quan hệ hữu hảo với mọi đối tượng trong xã hội. Muốn làm được như vậy, bạn cần có trí thông minh cảm xúc cao vì đây là yếu tố cần thiết để thu hút mọi người, bao gồm các bên liên quan bên ngoài mà có thể bạn chưa từng tiếp xúc. Bạn cần lôi kéo mọi người đi theo cùng một hướng.

Những lãnh đạo giỏi nhất luôn biết lắng nghe và chào đón các quan điểm khác. Nhưng họ cũng không ngại phải quyết đoán khi cần.

3. Tư duy tổng thể

Khi bắt đầu vai trò lãnh đạo mới, bạn có thể dễ bị cuốn vào nhiệm vụ hàng ngày mà mình từng giám sát khi còn là người quản lý. Nhưng bạn cần chuyển trọng tâm của mình sang tình hình tổng thể và nắm rõ toàn bộ tổ chức.

Bạn có trách nhiệm thúc đẩy tầm nhìn tổng quan của công ty và đề ra tinh thần chung cho văn hóa công ty. Mấu chốt là thuyết phục đội ngũ của bạn để họ có chung tầm nhìn đó. Bạn càng cho thấy mỗi nỗ lực đều tạo nên sự khác biệt, đội ngũ càng phát triển và thành công.

4. Cải thiện hoạt động giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp có vai trò quan trọng với mọi người, nhưng lại càng quan trọng hơn với lãnh đạo. Bạn phải có khả năng giao tiếp ở mọi cấp độ và tình huống khác nhau, dù là khi tham dự cuộc họp hội đồng cấp cao hay trò chuyện thân mật vào giờ giải lao.

Khi lãnh đạo đội ngũ làm việc từ xa, thử thách bạn phải đối mặt sẽ khác đi vì bạn khó nắm bắt tình hình hơn. Sử dụng cuộc họp toàn thể trực tuyến để chia sẻ thông tin mới về công ty và tạo cơ hội cho mọi người đặt câu hỏi. Bạn cần minh bạch để xây dựng lòng tin với nhân viên, cũng như làm họ cảm thấy có thể thoải mái trò chuyện cởi mở với bạn.

5. Học cách phân công

Nghệ thuật phân công chính là một trong những kỹ năng quan trọng để lãnh đạo đội ngũ mà bạn cần thuần thục. Mặc dù rất khó để từ bỏ quyền kiểm soát, nhưng bạn cần giao trách nhiệm cho các thành viên khác trong đội ngũ để họ phát triển và duy trì động lực. Suy cho cùng, mọi lãnh đạo giỏi đều có nhóm người tài năng xung quanh mà họ có thể tin tưởng.

Bằng cách để nhân viên tham gia dự án mới, bạn cũng sẽ có thêm thời gian để tập trung vào những nhiệm vụ thiết yếu hơn đối với sứ mệnh của tổ chức.

6. Đảm nhận trách nhiệm tổng thể

Bạn là người chịu trách nhiệm sau cùng. Là lãnh đạo, bạn phải gánh vác mọi việc xảy ra trong tổ chức. Bạn có thể vô tư tận hưởng vinh quang khi công việc thuận lợi. Nhưng đổi lại, hãy sẵn sàng chịu trách nhiệm và tránh đổ lỗi cho người khác khi đi chệch kế hoạch.

Theo báo cáo của Deloitte, 33% người tham gia nhận định rằng tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình kết quả chính là rào cản khiến lãnh đạo không thể thúc đẩy giá trị cho tổ chức.

7. Trở thành người làm gương

Bạn sẽ phải sẵn sàng trở thành tiêu điểm. Là người lần đầu làm lãnh đạo, bạn có thể sẽ bất ngờ trước sự chú ý mà mọi người dành cho những việc bạn nói và làm, cũng như cách bạn hành xử.

Khi lãnh đạo đội ngũ, bạn nhất định phải trở thành tấm gương tốt. Nếu không, nhân viên sẽ không tin tưởng và tôn trọng bạn. Bạn có thể giành được sự tôn trọng đó bằng cách thể hiện những phẩm chất như liêm chính, tích cực, đồng cảm và tự tin. Nhân viên mong muốn một người sếp có giá trị cốt lõi vững vàng và thúc đẩy nhân viên bộc lộ những gì tốt đẹp nhất - cả trên phương diện công việc lẫn cá nhân.

Dù ẩn chứa nhiều thách thức, nhưng hành trình chuyển đổi từ vị trí quản lý sang vị trí lãnh đạo cũng rất thú vị và đáng giá. Nếu ý tưởng và giá trị của bạn thực sự chạm tới nhân viên, họ sẽ không chỉ làm việc hiệu quả trong điều kiện thuận lợi mà còn sát cánh bên bạn khi khó khăn ập đến.

Đọc tiếp:

Hãy luôn kết nối

Nhận tin tức và thông tin chi tiết mới nhất từ tuyến đầu.

Bằng cách gửi mẫu này, bạn đồng ý nhận các tài liệu truyền thông điện tử liên quan đến marketing từ Facebook, bao gồm tin tức, sự kiện, thông tin mới và email quảng cáo. Bạn có thể từ chối và hủy đăng ký nhận các email này bất cứ lúc nào. Bạn cũng xác nhận rằng mình đã đọc và đồng ý với các điều khoản về Quyền riêng tư của Workplace.

Liên quan

Tìm hiểu cách các nhà lãnh đạo nhân sự toàn cầu xây dựng văn hóa công ty

Tải xuống ngay
Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Liên quan

Tìm hiểu cách các nhà lãnh đạo nhân sự toàn cầu xây dựng văn hóa công ty

Tải xuống ngay

Bài viết gần đây

Khả năng lãnh đạo | Thời gian đọc: 11 phút

Khả năng lãnh đạo là gì và tại sao lại quan trọng?

Nhà lãnh đạo là gì? Nhà lãnh đạo có giống người quản lý không? Bạn có thể học cách trở thành nhà lãnh đạo không? Chúng tôi khám phá những điều tạo nên một nhà lãnh đạo và tại sao khả năng lãnh đạo tốt lại quan trọng đối với doanh nghiệp.

Khả năng lãnh đạo | Thời gian đọc: 7 phút

Lãnh đạo cộng tác là gì và có thể gắn kết các đội ngũ của bạn như thế nào.

Các nhà lãnh đạo cộng tác tin vào việc gắn kết nhiều đội ngũ đa dạng để đạt được mục tiêu của tổ chức, giải quyết vấn đề, ra quyết định và chia sẻ thông tin. Nhưng thực sự cần phải làm gì để trở thành một nhà lãnh đạo cộng tác hơn? Chúng tôi đã tìm hiểu chủ đề này.

Khả năng lãnh đạo | Thời gian đọc: 4 phút

3 bài học từ cuộc sống dành cho nhà lãnh đạo

Chính các trải nghiệm chân thật, thực tế sẽ định hình con người và cách lãnh đạo của chúng ta. Sau đây là 3 trong số những ví dụ tiêu biểu nhất.