Cách phòng tránh tư duy tập thể
Cách phòng tránh tư duy tập thể


Cách phòng tránh tư duy tập thể
Tư duy tập thể có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và kìm hãm tính sáng tạo. Vậy thì làm cách nào để nhận ra tư duy tập thể tại nơi làm việc và bạn có thể làm gì để xóa bỏ lối tư duy này? Hãy cùng tìm hiểu.
Gỡ rối công việc nhờ Workplace
Từ khâu thông báo cho mọi người về kế hoạch quay trở lại văn phòng đến quá trình áp dụng mô hình làm việc kết hợp, Workplace làm cho công việc trở nên đơn giản hơn.









Đội ngũ của bạn là một tập thể khăng khít. Mọi người kết nối với nhau dù đang làm việc từ xa hay tại văn phòng. Bạn đang cộng tác nhóm hiệu quả và đưa ra quyết định nhanh chóng. Nhưng hãy nhìn lại một chút nào. Bạn có chắc đội ngũ của mình đang thực sự làm tốt công việc hay đang gặp phải tư duy tập thể?
Tư duy tập thể là gì và tại sao lại có hại?
Nghe như một khái niệm từ tiểu thuyết 1984 của George Orwell nhưng cụm từ "tư duy tập thể" là do chuyên gia tâm lý Irving L. Janis nghĩ ra từ thập niên 70. Ông định nghĩa tư duy tập thể là "hiện tượng tâm lý xảy ra khi bạn cố gắng đạt được sự đồng thuận bằng mọi cách" và xem đây là yếu tố dẫn đến một loạt các vấn đề chính trị trong thời kỳ này, từ sự kiện Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) cho đến sự leo thang chiến tranh Việt Nam.
Theo Janis (những chuyên gia tâm lý khác đã dựa vào và phát triển các lý thuyết của ông), tư duy tập thể xuất hiện khi mọi người tìm kiếm sự đồng ý bằng bất cứ giá nào và không quan tâm đến hậu quả vì sợ phá vỡ sự đồng thuận của nhóm. Tư duy này có thể dẫn đến các quyết định sai lầm, thậm chí thảm khốc - theo ý kiến của ông, tư duy tập thể liên quan đến mọi thứ từ vụ đánh bom Trân Châu Cảng cho đến thảm họa tàu con thoi Challenger.
Nhưng cũng có nhiều ví dụ về tư duy tập thể ở quy mô nhỏ và gần gũi hơn, diễn ra ở chính nơi làm việc. Hãy nghĩ đến chiến dịch quảng cáo dở tệ được thông qua một cách khó hiểu và xuất hiện ở mọi nơi hoặc một ứng viên hoàn toàn không phù hợp nhưng bằng cách nào đó lại được tuyển dụng. Mọi người băn khoăn không biết làm thế nào lại có những quyết định như vậy. Tuy nhiên, nếu không ai phản biện lại những quyết định theo nhóm này một cách hiệu quả, tín hiệu cảnh báo sẽ bị bỏ qua và tổ chức khó mà cân nhắc kỹ lưỡng về các hậu quả có thể xảy ra.
Tất nhiên không phải nhóm nào cũng gặp phải tư duy tập thể, vậy thì khi nào tư duy này xuất hiện? Theo Janis, tư duy này có thể phát triển khi đội ngũ có tinh thần gắn kết cao và "bầu không khí ấm áp, gần gũi". Ông mô tả: "Các thành viên của nhóm hoạch định chính sách càng trở nên hòa nhã và gắn bó thì tư duy phản biện độc lập càng có nguy cơ bị thay thế bằng tư duy tập thể".
Đây là một trong những lý do khái niệm tư duy tập thể chính là thách thức cho bất kỳ ai tham gia làm việc nhóm và cộng tác nhóm. Đội ngũ có thực sự cần gắn kết không? Đã là đội ngũ thì nên đồng thuận với nhau? Các thành viên trong đội ngũ khăng khít với nhau thì có vấn đề gì? Thật khó chấp nhận rằng sự hòa hợp trong đội ngũ mà bạn vất vả xây dựng lại có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình cộng tác thành công. Nhưng để tránh tư duy tập thể, bạn cần thiết lập mức độ đoàn kết trong đội nhóm.
Vấn đề của tư duy tập thể không nằm ở tinh thần gắn kết của đội ngũ. Tư duy này xuất hiện khi nhóm đề cao tính gắn kết và mục tiêu đạt sự đồng thuận hơn tất cả các yếu tố khác, bao gồm sự trung thực, hoạt động giao tiếp trong doanh nghiệp cởi mở và quá trình cộng tác vun đắp tính sáng tạo và khả năng đưa ra quyết định hiệu quả. Bước đầu tiên để tránh tư duy tập thể là nhận ra hiện tượng này. Vậy làm cách nào để biết liệu tư duy tập thể có đang là vấn đề trong nhóm của bạn? Sau đây là một số đặc điểm của tư duy tập thể mà bạn cần chú ý.
Làm cách nào để nhận ra tư duy tập thể tại nơi làm việc?
Hãy nghĩ về cuộc họp gần đây nhất của nhóm bạn. Mọi người có đặt câu hỏi không? Họ có phản biện ý tưởng của thành viên trong nhóm không? Các bạn có nhanh chóng đồng ý với nhau không? Các bạn có học hỏi được điều gì mới không hay chủ yếu nói về điều mọi người đã biết? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể cho bạn biết liệu đội ngũ của mình có nguy cơ xuất hiện tư duy tập thể không.
Để thực sự cộng tác với nhau, bạn cần đặt ra câu hỏi, phản biện ý tưởng và vượt qua sự khác biệt, cho dù các thành viên trong nhóm sẽ cảm thấy không thoải mái. Quá trình cần có thời gian nên có thể bạn sẽ không đưa ra quyết định nhanh chóng được. Bạn thậm chí có thể mời chuyên gia bên ngoài trợ giúp hoặc nghiên cứu thêm để chắc chắn mình đưa ra quyết định dựa trên thông tin chính xác. Nhưng khi tư duy tập thể xuất hiện, những điều này sẽ không xảy ra.
Đầu tiên, bạn không biết nhóm đang thực sự nghĩ gì. Một trong những đặc điểm của tư duy tập thể là thành viên trong nhóm sẽ nói năng dè chừng hoặc không nói gì. Họ sẽ làm vậy để tránh bị chỉ trích. Nguyên nhân có thể là - theo cách gọi của các chuyên gia hành vi - "áp lực danh tiếng". Họ không muốn bị đồng nghiệp phản đối hoặc không muốn bị cấp trên trách phạt.
Nếu có ai đó đưa ra quan điểm hoặc bằng chứng trái chiều, thành viên trong nhóm sẽ tạo áp lực khiến họ thay đổi ý kiến và đồng thuận với mọi người.
Tình trạng này dẫn đến "ảo tưởng đồng thuận" (theo Janis). Nói cách khác, mọi người có vẻ đều nhất trí trong khi thực tế lại không như vậy. Mọi người không muốn phá hỏng kế hoạch của nhóm hoặc làm cho thành viên khác khó chịu.
Sự đồng thuận giả tạo này có thể trở nên vững chắc hơn nhờ "người gác cổng" - thành viên nhóm xem mình là người có vai trò bảo vệ người lãnh đạo nhóm khỏi bất kỳ thông tin hay ý kiến nào có khả năng gây ra vấn đề hoặc cản trở sự đồng thuận.
Và đó không phải vấn đề duy nhất. Khi có tư duy tập thể, đội nhóm sẽ nghĩ mình vượt trội, đúng đắn về mặt đạo đức và có thể chấp nhận những rủi ro lớn. Tình trạng "ảo tưởng sức mạnh" này khuyến khích mọi người gạt bỏ ý kiến từ bên ngoài, cũng như nảy sinh định kiến tiêu cực rằng những người và ý tưởng bên ngoài nhóm sẽ phá hoại sự đồng thuận. Họ có nhiều cách bao biện cho quan điểm của mình nhằm phớt lờ bất kỳ điều có thể buộc họ phải cân nhắc lại ý kiến hay nhận định của bản thân hoặc khiến họ phải hành động theo phương hướng khác.
Nói ngắn gọn, khi chịu ảnh hưởng của tư duy tập thể, đội ngũ trông có vẻ hòa hợp thực ra không hơn gì một phương tiện để thông qua các quyết định chưa được cân nhắc đầy đủ.
Vì sao tư duy tập thể tồn tại?
Không phải đội nhóm gắn bó khăng khít nào cũng rơi vào kiểu tư duy tập thể. Hiện tượng này có thể phát triển trong một số hoàn cảnh nhất định.
Căng thẳng
Tư duy tập thể có thể xảy ra khi mọi người đang chịu áp lực hoặc cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Lúc này, nhu cầu đạt được sự đồng thuận - bất chấp đúng sai - sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Hoặc cũng có thể đội ngũ đang gặp mối đe dọa nào đó buộc mọi người phải đồng ý với các quyết định mà thường sẽ không chấp thuận. Trong những tình huống này, đội ngũ sẽ muốn giảm áp lực ra quyết định bằng cách nhanh chóng đồng ý và tranh luận ít nhất có thể.
Phong cách lãnh đạo
Phong cách lãnh đạo cá nhân thường dễ gây ra tư duy tập thể. Janis bàn về khái niệm gọi là nhà lãnh đạo chỉ đạo - những người khăng khăng với quan điểm của mình đến bác bỏ ý kiến của người khác. Phong cách lãnh đạo bảo thủ - khi nhà lãnh đạo đưa ra ý kiến của mình từ sớm và nói rõ rằng họ không muốn cân nhắc các quan điểm hoặc phương hướng hành động khác - thực sự dẫn đến tư duy tập thể.
Cảm giác cô lập
Tư duy tập thể có thể phát triển khi nhóm - vì bất kỳ lý do nào - không nhận được thông tin từ bên ngoài có thể ảnh hưởng hoặc thay đổi quyết định của họ.
Sự đồng đều
Khi tương tự như một câu lạc bộ, trong đó mọi người hiểu rất rõ về nhau hoặc có chung kiểu nền tảng và ý tưởng, đội ngũ có thể xuất hiện tư duy tập thể. Đội ngũ thiếu sự đa dạng có thể sẽ giả định nhiều điều và thiếu góc nhìn khác để phản biện các thiên kiến. Khi các vai trò chồng chéo, mọi người sẽ không chắc chắn mình có thể đóng góp gì cho nhóm nên chỉ đồng thuận theo.
Gắn kết quá mức
Tinh thần gắn kết tuy đáng quý nhưng cần có chừng mực. Khi thành viên trong nhóm quá thân thiện, mọi người khó mà đưa ra quan điểm trái chiều vì sợ sẽ xúc phạm nhau hoặc gây tổn hại đến sự hòa hợp của nhóm.
Làm cách nào để xóa bỏ tư duy tập thể?
Một trong những cách hiệu quả nhất để đối phó với tư duy tập thể là ngăn chặn ngay từ "trứng nước". Do đó, tổ chức nên cân nhắc yếu tố này trước khi thành lập đội ngũ. Nếu tính đồng đều góp phần hình thành tư duy tập thể, sự đa dạng của nhóm có thể giảm thiểu tư duy này. Những người đến từ hoàn cảnh khác nhau có thể đem lại góc nhìn khác nhau nên ít khả năng sẽ dễ dãi đồng ý. Hãy kết hợp các cá tính có thể phản biện lẫn nhau.
Vai trò và trách nhiệm
Bạn cũng cần chỉ định vị trí rõ ràng cho mỗi thành viên. Mọi người cần nhận thức được các thành viên đều đóng góp cho nhóm theo chuyên môn liên quan đến vai trò cụ thể. Nhờ đó, nhóm biết rằng họ không ở đó để cùng phụ trách một vai trò giống nhau mà mọi người đều quen thuộc.
Bạn cũng nên xem xét số thành viên trong nhóm. Các chuyên gia tâm lý đã tìm thấy sự tương quan giữa nhóm lớn hơn và tư duy tập thể. Vì vậy, dù không có quy mô nhóm lý tưởng nhưng đừng thêm những thành viên không cần thiết vào nhóm.
Phong cách lãnh đạo cởi mở
Phong cách lãnh đạo là yếu tố mấu chốt hình thành nhóm có tinh thần cộng tác thực sự. Tư duy tập thể thường ít xuất hiện hơn khi nhà lãnh đạo kêu gọi, chào đón và xem trọng các quan điểm khác nhau. Nghĩa là nhà lãnh đạo cần nói được và làm được bằng cách không chèn ép những người nói với bạn điều bạn không muốn nghe.
Trong bài viết trên Harvard Business Review, Cass R. Sustain và Reid Hastie bàn về "hiệu ứng theo tầng" - khi thành viên trong nhóm đồng ý với phát biểu của người lên tiếng đầu tiên. Để hạn chế tư duy tập thể, các nhà lãnh đạo nên tránh là người đầu tiên bày tỏ quan điểm trong cuộc họp. Như vậy, mọi người không chịu áp lực phải đồng ý với ý kiến của lãnh đạo. Nhà lãnh đạo thậm chí có thể không cần tham dự một số cuộc họp nhóm để thành viên cảm thấy tự do hơn và thảo luận cởi mở.
Mâu thuẫn có kiểm soát
Các đội ngũ thường xem mâu thuẫn là điều tiêu cực nhưng miễn là còn trong tầm kiểm soát, yếu tố này có thể góp phần làm nảy sinh tính sáng tạo khi có sự bất đồng. Để ngăn ngừa lối tư duy tập thể, hãy kiềm chế thôi thúc dập tắt mâu thuẫn quá sớm. Thay vào đó, bạn nên tìm cách "hạ nhiệt" tình hình, rồi lắng nghe ý kiến của người trong cuộc.
Đôi khi, thành viên trong nhóm có thể ngại nói ra cảm nghĩ của mình. Khi đó, bạn có thể phải khuyến khích mọi người tranh luận để nhóm bắt đầu nhìn vào vấn đề từ nhiều góc độ. Cụ thể, hãy khuyến khích ai đó đưa ra ý kiến gây bất đồng, chất vấn các lập luận, cũng như đưa ra góc nhìn và ý tưởng mới.
Janis cũng có ý tưởng chia nhóm thành các nhóm nhỏ để đồng thời giải quyết một vấn đề, từ đó thu được các góc nhìn khác nhau. Một cách khác để kiểm tra xem nhóm có tư duy tập thể hay không là sau khi đưa ra quyết định ban đầu, hãy tổ chức một cuộc họp thứ 2 để mọi người nói lên những nghi ngờ hoặc đặt câu hỏi trước khi có quyết định cuối cùng.
Góc nhìn từ bên ngoài
Cuối cùng, nhóm cần nhận ra họ không phải là tất cả. Không phải lúc nào họ cũng cung cấp đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt. Hãy tìm kiếm góc nhìn từ bên ngoài, mời những người từ nhóm khác và các chuyên gia khác vào nhóm để trình bày quan điểm của họ và cung cấp căn cứ để nhóm cân nhắc kỹ càng. Hãy đảm bảo nhóm của bạn cởi mở với sự ảnh hưởng và ý tưởng mới từ bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ có một đội ngũ gồm các cá nhân thực sự có tinh thần hợp tác, thay vì một nhóm suy nghĩ giống nhau.
Có thể bạn cũng quan tâm

Hãy luôn kết nối
Nhận tin tức và thông tin chi tiết mới nhất từ tuyến đầu.
Bằng cách gửi mẫu này, bạn đồng ý nhận các tài liệu truyền thông điện tử liên quan đến marketing từ Facebook, bao gồm tin tức, sự kiện, thông tin mới và email quảng cáo. Bạn có thể từ chối và hủy đăng ký nhận các email này bất cứ lúc nào. Bạn cũng xác nhận rằng mình đã đọc và đồng ý với các điều khoản về Quyền riêng tư của Workplace.