Chúng ta đều muốn nghĩ rằng tất cả nhân viên đều năng nổ, hài lòng và hoàn toàn tận tâm với thành công của doanh nghiệp nhưng sự gắn bó không xảy ra một cách kỳ diệu. Các sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên đóng vai trò quan trọng ở đây.

Gỡ rối công việc nhờ Workplace

Từ khâu thông báo cho mọi người về kế hoạch quay trở lại văn phòng đến quá trình áp dụng mô hình làm việc kết hợp, Workplace làm cho công việc trở nên đơn giản hơn.

Với chỉ 36% nhân viên tại Hoa Kỳ cảm thấy gắn bó trong năm 2020, có vẻ như công ty cần làm nhiều hơn để hoàn toàn thuyết phục được nhân viên, thay vì chỉ thi thoảng phát vài bữa ăn trưa miễn phí.

Nếu lo lắng mình đang mắc kẹt với hoạt động gắn bó nhân viên không hiệu quả thì có lẽ đã đến lúc bạn cần hành động. Tìm hiểu cách sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên có thể trợ giúp tổ chức của bạn.

Sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên là gì?

Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên có lẽ sẽ bao gồm các lợi ích và đặc quyền như trái cây hay thẻ tập gym miễn phí. Nhưng trong thực tế, sáng kiến này có thể là bất cứ điều gì bạn cho rằng sẽ phát huy tối đa khả năng của nhân viên, đồng thời thúc đẩy họ tận tâm hơn nữa, vượt ra ngoài những yêu cầu cơ bản của công việc.

Sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên thường nằm trong kế hoạch lớn hơn nhằm phát triển nhân viên, cải thiện hiệu quả của họ và đảm bảo họ hạnh phúc tại nơi làm việc. Các ví dụ thường gặp bao gồm:

  • Lộ trình nghề nghiệp có cấu trúc cung cấp cơ hội phát triển
  • Các phần thưởng khuyến khích như giải thưởng nhân viên của tháng hoặc thẻ quà tặng cho những nhân viên xuất sắc nhất
  • Bài viết hàng tuần trên nền tảng giao tiếp của công ty nêu bật thành công của nhân viên trong tuần vừa qua
  • Bản tóm tắt thường xuyên về tin tức mới nhất của công ty, qua đó nhân viên sẽ không cảm thấy lạc lõng hoặc thiếu thông tin
  • Hộp ý tưởng trên mạng cho các gợi ý cải thiện cách làm việc hoặc tiết kiệm tiền bạc cho doanh nghiệp
  • Các buổi cập nhật tình hình định kỳ của người quản lý trực tiếp với nhân viên để tìm ra bất kỳ sự cố nào cần giải quyết
  • Lễ trao giải hàng năm và ngày nghỉ của công ty
Sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên mang đến lợi ích gì cho tổ chức?

Sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên mang đến lợi ích gì cho tổ chức?

Sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên tăng thêm giá trị cho bất kỳ doanh nghiệp nào và tạo ra kết quả rõ ràng.

Gia tăng năng suất và khả năng sinh lời

Không có gì ngạc nhiên khi nhân viên gắn bó làm việc hiệu quả hơn những đồng nghiệp không gắn bó. Họ thường làm việc nhanh hơn và mắc ít lỗi hơn vì họ quan tâm đến việc mình làm. Ngoài ra, nếu ai đó cảm thấy được người quản lý của mình đối xử tốt và tôn trọng, họ sẽ có tinh thần trách nhiệm luôn cố gắng hết sức. Những điều này đều có lợi cho năng suất và sau cùng là kết quả kinh doanh. Nhìn chung, tổ chức có mức độ gắn bó của nhân viên cao làm việc hiệu quả hơn 17% và có khả năng sinh lời cao hơn 21%.

Cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên

Nếu nhân viên không thích công việc của mình hoặc cảm thấy khó khăn, khả năng họ nghỉ việc sẽ cao hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các nhân viên thường xuyên nhận được ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, có mục tiêu để hướng tới và được ghi nhận tại nơi làm việc vì làm việc tốt thường gắn bó hơn những người làm việc không định hướng. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp ngăn chặn vòng lẩn quẩn tuyển dụng, đào tạo và nghỉ việc - tình trạng này có thể làm hao hụt đáng kể nguồn lực.

Cải thiện mức độ hài lòng với công việc

Nếu không hài lòng với công việc của mình, nhân viên sẽ thiếu năng lượng và nhiệt huyết, cũng như thường có cái nhìn tiêu cực về nơi làm việc. Cảm giác này có thể truyền sang những người quanh họ, từ đó làm giảm năng suất và tinh thần làm việc chung. Các sáng kiến thúc đẩy cả sự phát triển sự nghiệp và cá nhân tạo ra quan hệ kết nối vững chắc hơn giữa nhân viên và tổ chức của họ. Nhờ đó, họ làm việc có chất lượng tốt hơn, làm cho khách hàng luôn hài lòng.

Giảm tình trạng thường xuyên vắng mặt

Khi thích thú làm việc cùng đội ngũ và không cảm thấy công việc nhàm chán, nhân viên sẽ muốn đi làm. Theo nghiên cứu của Gallup,tại nơi làm việc có mức độ gắn bó cao, tỷ lệ nhân viên thường xuyên vắng mặt thấp hơn 41%.

Nếu không tận tâm với công việc, nhân viên thường ít có tinh thần trách nhiệm với doanh nghiệp cũng như ít màng đến chuyện đi làm. Tình trạng này tạo ra gánh nặng cho phần còn lại của đội ngũ khi khối lượng công việc có thể tăng lên, từ đó dẫn tới cảm giác căng thẳng và oán giận.

Đảm bảo nhân viên làm việc từ xa luôn gắn bó
Đảm bảo nhân viên làm việc từ xa luôn gắn bó

Với hàng triệu người làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19, xu hướng làm việc từ xa trên toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến. Một số công ty đã tuyên bố dự định cho phép làm việc từ xa lâu dài, ngay cả sau đại dịch. Vậy làm cách nào để đảm bảo sáng kiến tăng cường sự gắn bó tại nơi làm việc duy trì hiệu quả?

Nếu quản lý tốt, hình thức làm việc từ xa có thể cải thiện sự gắn bó của nhân viên. Mọi người thường có thể làm việc vào thời gian phù hợp với họ và cảm kích người quản lý tin tưởng vào khả năng chủ động làm việc của họ. Hình thức này cũng làm giảm căng thẳng trong quá trình di chuyển hàng ngày, cũng như tạo ra ít cuộc họp không hiệu quả và giảm bớt yếu tố gây sao nhãng tại văn phòng.

Nhưng hình thức làm việc từ xa cũng có những thách thức riêng. Nhân viên có thể cảm thấy tách biệt, cô đơn và xa rời đồng nghiệp. Họ tương tác ít hơn với người quản lý và công nghệ được cấp có thể trở nên lạc hậu hoặc không hiệu quả. Những người làm việc tại nhà cũng có thể cảm thấy khó rời xa công việc, từ đó tạo ra rủi ro bị kiệt sức. Tất cả những yếu tố trên có thể khiến bạn khó duy trì sự gắn bó của nhân viên, văn hóa và giá trị cốt lõi của công ty.

Giao tiếp

Trong bối cảnh hình thức làm việc từ xa sẽ còn tồn tại lâu dài, khả năng giao tiếp hiệu quả là yếu tố không thể thiếu. Ví dụ: Đội ngũ cần có cách đặt câu hỏi cho nhau nhanh chóng và dễ dàng nếu họ còn ngồi làm việc cạnh nhau trong môi trường văn phòng. Nhân viên cũng cần nhận được chỉ dẫn rõ ràng ngay từ khi bắt đầu mỗi nhiệm vụ, cũng như có cuộc họp video thường xuyên để tương tác trực tiếp.

Công nghệ

Không có gì khiến nhân viên khó chịu hơn là chiếc máy tính liên tục gặp sự cố hoặc kết nối Internet chậm. Nếu muốn làm việc hiệu quả, đội ngũ sẽ cần có laptop hoạt động ổn định và đường truyền băng thông rộng tốc độ cao. Thay vì trông chờ vào file đính kèm email tốn nhiều thời gian tải xuống, những người làm việc từ xa có thể hưởng lợi từ các công cụ làm việc từ xa hiệu quả hơn, chẳng hạn như nền tảng quản lý dự án, tính năng chat video và nhắn tin tức thì.

Văn hóa văn phòng

Đôi khi, nhân viên làm việc từ xa có thể cảm thấy bỏ lỡ các khía cạnh xã hội của môi trường văn phòng. Để đảm bảo mọi người luôn gắn bó, bạn cần khuyến khích nhân viên tương tác và tham gia vào những phương diện thú vị của văn hóa công sở. Khi bắt đầu cuộc gọi video, hãy dành thời gian hỏi thăm, chẳng hạn như hỏi xem cuối tuần của mọi người ra sao, con cái họ có khỏe không. Bạn cũng có thể đưa vào các yếu tố vui vẻ. Ví dụ: cuộc thi online, giải vô địch thể thao ảo hoặc bảng dán ảnh thú cưng để mọi người ngắm nhìn khi làm việc.

9 sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên dành cho tổ chức bạn

9 sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên dành cho tổ chức bạn

Có vô vàn sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên để bạn áp dụng nhằm khơi dậy tinh thần của lực lượng lao động trong tổ chức. Tuy nhiên, hãy cùng xem xét một số sáng kiến hiệu quả nhất.

1. Định hướng đúng quy trình

Bất kỳ ai từng bắt đầu công việc mới đều biết cảm giác đó căng thẳng đến mức nào. Bạn phải bắt kịp với rất nhiều thứ - từ gặp gỡ đồng nghiệp mới và làm quen với phần mềm nội bộ cho đến nắm được vai trò của mình. Quy trình định hướng đúng nghi thức sẽ bồi dưỡng nhân viên mới từ ngày đầu tiên, thậm chí trước đó. Nhờ vậy, họ cảm thấy được chào đón, hỗ trợ và không thấy quá choáng ngợp. Ở tổ chức có quy trình định hướng hiệu quả, tỷ lệ giữ chân nhân viên mới tăng 82%.

2. Định hướng và hướng dẫn

Trong hệ thống định hướng nhân viên, thành viên trong đội nhóm lâu năm sẽ ghép cặp với nhân viên ít kinh nghiệm hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động cộng tác và phát triển cá nhân. Nói một cách dễ hiểu hơn, sẽ có người luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi và mối bận tâm, kể cả qua hình thức online. Nhân viên thường có khả năng ở lại công ty cao hơn nếu nhận thấy mình có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và và phát triển cá nhân. Tại các tổ chức có hoạt động hướng dẫn thường xuyên cho nhân viên, kết quả kinh doanh tăng thêm 21%.

3. Chương trình ghi nhận

Bạn nên ghi nhận thành tựu của nhân viên và công nhận sự đóng góp sao cho xứng đáng. Khi cảm thấy được xem trọng và khen ngợi vì đã chăm chỉ, nhân viên sẽ muốn tiếp tục làm tốt công việc cho công ty. Theo Deloitte, tổ chức với văn hóa thường xuyên ghi nhận có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn 30% so với những nơi thúc giục mọi người làm việc mà không có đãi ngộ.

Tuy nhiên, bạn có thể thấy khó ghi nhận sao cho hợp lý vì mỗi người một khác. Một số người mong muốn được ghi nhận công khai, còn những người khác lại tránh trở thành tâm điểm và thích nhận tin nhắn hoặc quà tặng theo cách riêng tư hơn. Mấu chốt nằm ở hành động khích lệ thành viên trong đội ngũ mà không tạo ra môi trường quá cạnh tranh.

4. Cuộc phỏng vấn giữ chân nhân viên

Phỏng vấn khi nhân viên thôi việc là cách hiệu quả để tìm hiểu lý do nhân viên rời tổ chức. Tuy nhiên, hình thức này không mang lại hiệu quả trong việc giữ chân những người có thể đang suy nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Thông qua cuộc phỏng vấn giữ chân nhân viên, bạn có thể can thiệp trước khi quá muộn. Từ đó, bạn sẽ biết cách giữ chân nhân tài. Hãy khuyến khích nhân viên bàn về mục tiêu sự nghiệp của bản thân và những gì họ cần để đạt mục tiêu đó. Nhờ vậy, bạn có thể hiểu động lực giữ chân nhân viên ở lại và cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết để phát triển.

5. Thông tin đầu vào từ nhân viên

Một trong những cách hiệu quả nhất để gắn kết với nhân viên là thường xuyên thu thập ý kiến đóng góp, chẳng hạn như về mức độ căng thẳng hoặc liệu họ có công cụ phù hợp cho công việc chưa. Bạn có thể nhanh chóng phân phối khảo sát đến từng nhân viên để nhận phản hồi tức thì về mức độ gắn bó trong đội ngũ. Bạn có thể gặp trở ngại khi định lượng mức độ gắn bó của nhân viên. Tuy nhiên, khảo sát sự hài lòng của nhân viên và cuộc thăm dò ý kiến nhanh là cách tuyệt vời để đánh giá tâm trạng chung trong tổ chức theo thời gian thực.

6. Công cụ cộng tác

Để đảm bảo nhân viên luôn kết nối ở bất kỳ đâu, bạn có thể sử dụng công cụ giao tiếp tức thì thay vì hệ thống cồng kềnh (ví dụ: email và mạng nội bộ). Các công cụ này phù hợp cho thông báo toàn công ty và tạo điều kiện cho đội ngũ cộng tác trong dự án. 72% nhân viên cho biết công nghệ có vai trò quan trọng với năng suất tổng thể của họ tại nơi làm việc. Do đó, bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với mức độ gắn bó thông qua công cụ phù hợp.

7. Chia sẻ kiến thức

Văn hóa cởi mở, minh bạch và hỗ trợ hoạt động chia sẻ kiến thức là mấu chốt thu hút và thúc đẩy nhân viên. Đội ngũ thường hoạt động tách biệt trong dự án và không gian làm việc nên khó mà nắm rõ các đồng nghiệp khác đang làm gì. Bằng cách chia sẻ nội dung, bí quyết công nghệ và ý tưởng mới, đội ngũ sẽ phát triển nhanh hơn nhiều. Khi được tiếp cận ý tưởng của người khác, mọi người thường có cảm hứng để đạt nhiều thành tựu hơn.

8. Cải thiện sức khỏe toàn diện của nhân viên

Khi khỏe mạnh và có cơ thể cân đối, nhân viên làm việc hiệu quả hơn, nghỉ ít hơn, từ đó tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc cho doanh nghiệp. Nhờ chương trình thúc đẩy sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhân viên có thể nghỉ ngơi đầy đủ, từ đó trở nên tập trung và cẩn thận hơn trong công việc. Các chương trình này cũng khích lệ nhân viên giữ gìn sức khỏe ngoài giờ làm việc, với 61% nhân viên tại Hoa Kỳ cho biết họ đã lựa chọn lối sống lành mạnh hơn nhờ chương trình chăm sóc sức khỏe của công ty mình. Bạn có thể triển khai các sáng kiến bao gồm buổi khám sức khỏe thường xuyên, chương trình đạp xe đi làm và đồ ăn nhẹ lành mạnh, miễn phí.

9. Cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn

Nhờ xu hướng làm việc từ xa và linh hoạt ngày càng trở nên phổ biến - đặc biệt là trong thời kỳ phong tỏa, nhiều nhân viên đã được hưởng lợi từ sự cân bằng tốt hơn giữa đời sống và công việc. Tuy nhiên, những người khác vẫn có nguy cơ rơi vào tình trạng kiệt sức khi vừa cố gắng dạy con học tại nhà, vừa làm việc nhiều giờ ở cơ quan. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét những gì mình có thể làm để trợ giúp các nhân viên đang gặp khó khăn trong việc xoay sở giữa công việc và gia đình. Công việc sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu trở nên linh hoạt.

Cách triển khai sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên

Cách triển khai sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên

Không có sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên nào là phù hợp với tất cả tổ chức. Bạn cần tìm ra phương pháp hiệu quả nhất cho doanh nghiệp mình và điều chỉnh chính sách dựa theo đó. Có thể bạn sẽ đạt được một vài thành công nhanh chóng (chẳng hạn như việc ra mắt bản tin điện tử hàng tuần), nhưng các sáng kiến khác sẽ nằm trong bức tranh về sự gắn bó của nhân viên ở cấp độ mang tính chiến lược hơn. Các kế hoạch như chương trình chăm sóc sức khỏe, đánh giá hiệu quả và quy trình định hướng cần thu thập thông tin đầu vào từ bộ phận Nhân sự. Khi đó, bạn mới có thể đo lường kết quả và nhìn thấy tác động theo thời gian.

Dù làm gì đi nữa, bạn nên tạo ra nền văn hóa sao cho nhân viên cảm thấy bản thân đóng vai trò trọng yếu trong quy trình này. Đừng bao giờ tự cho rằng bạn biết họ muốn gì. Tốt nhất, công ty của bạn nên đảm bảo mục tiêu kinh doanh tổng thể, mục tiêu của đội ngũ và mục tiêu cá nhân thống nhất với nhau.

Hãy nêu rõ ai sẽ theo dõi tiến độ của sáng kiến - bộ phận Nhân sự, người quản lý trực tiếp hay nhân viên lâu năm. Bạn thậm chí có thể thành lập ủy ban về sự gắn bó của nhân viên hoặc thuê chuyên gia về sự gắn bó của nhân viên để giám sát chiến lược.

Cách khai thác tối đa sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên

Cách khai thác tối đa sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên

Bạn không nên xem chương trình tăng cường sự gắn bó của nhân viên là điều bất di bất dịch. Quy trình này nên liên tục phát triển cùng với sự thay đổi của lực lượng lao động hoặc khi mức độ phổ biến của một số sáng kiến nhất định giảm dần.

Hãy thu thập ý kiến đóng góp của nhân viên làm việc từ xa và tại văn phòng để liên tục đánh giá lại quy trình và biết nên cải thiện phần nào. Bạn cũng cần đảm bảo thường xuyên đo lường mức độ gắn bó của nhân viên và phân tích dữ liệu nhằm tìm ra những sáng kiến hiệu quả với lực lượng lao động của mình. Bạn cũng nên đặt ra mục tiêu cụ thể. Ví dụ: Nếu tỷ lệ giữ chân nhân viên là vấn đề, bạn có thể đặt mục tiêu giảm 10% tỷ lệ nghỉ việc trong 12 tháng tiếp theo.

Khi bắt đầu hiểu rõ hơn yếu tố giữ chân nhân viên, bạn có thể thiết kế sáng kiến tăng cường sự gắn bó của nhân viên theo cách phù hợp hơn.

Bản đồ hành trình của nhân viên (hay còn hiểu là hình ảnh trực quan các giai đoạn khác nhau nhân viên trải qua trong thời gian làm việc tại công ty) cũng là cách khác để phân tích nhu cầu chưa được đáp ứng của nhân viên. Từ đó, bạn tìm ra hành động cần thực hiện nhằm duy trì mức độ gắn bó cao.

Bạn cũng có thể quan tâm:

Hãy luôn kết nối

Nhận tin tức và thông tin chi tiết mới nhất từ tuyến đầu.

Bằng cách gửi mẫu này, bạn đồng ý nhận các tài liệu truyền thông điện tử liên quan đến marketing từ Facebook, bao gồm tin tức, sự kiện, thông tin mới và email quảng cáo. Bạn có thể từ chối và hủy đăng ký nhận các email này bất cứ lúc nào. Bạn cũng xác nhận rằng mình đã đọc và đồng ý với các điều khoản về Quyền riêng tư của Workplace.

Was this article helpful?
Thanks for your feedback

Bài viết gần đây

Sự gắn bó của nhân viên | Thời gian đọc: 8 phút

Cách thực sự đo lường mức độ gắn bó của nhân viên

Việc đo lường mức độ gắn bó của nhân viên không hề đơn giản. Làm cách nào để biết mọi người có thực sự gắn bó ở nơi làm việc hay không? Khám phá cách đo lường mức độ gắn bó của nhân viên từ các cuộc khảo sát nhanh cho đến số liệu về năng suất.

Làm việc từ xa | Thời gian đọc: 5 phút

Hỗ trợ nhân viên trong bối cảnh làm việc từ xa

Cách Workplace tạo điều kiện cho nhân viên giao tiếp với độ chính xác cao và hỗ trợ họ trong bối cảnh làm việc từ xa.